Giá trị, thiên kiến và nỗi sợ ảnh hưởng gì đến quyết định của bạn?

Theo Mark Manson, ai cũng từng ra quyết định sai lầm. Để hạn chế, cần phải hiểu về những yếu tố “thao túng” tâm lý bạn khi cân nhắc chúng.

Nếu tôi là tỷ phú, tôi sẽ đến vùng đất hoang vu, lạnh lẽo ở tây bắc Canada để mua một mảnh đất rộng lớn. Tôi sẽ xây lên một khu nhà được thiết kế theo cách tồi tệ nhất có thể. Sẽ không có hệ thống sưởi, không cơ sở vật chất, không đội ngũ nhân viên và không có đường nào dẫn tới. Nó sẽ trở thành viện bảo tàng của những quyết định tồi tệ.

Đây sẽ là một ý tưởng hoàn hảo, bởi chính bản thân tòa nhà đã là một quyết định tồi tệ. Và bất kỳ ai tìm cách tiếp cận nó cũng sẽ đưa ra các quyết định tồi tệ khác.

Bên trong bảo tàng, tôi sẽ trưng bày các quyết định "đi vào lòng đất" nhất lịch sử nhân loại. Chẳng hạn Kodak từng sở hữu đến 90% thị phần ngành công nghiệp máy ảnh, song không bán chúng và cuối cùng phá sản. Hãng đĩa Decca Records từng từ chối ký hợp đồng với The Beatles vì cho rằng “các ban nhạc guitar sắp hết thời”. Và kết cục ra sao chắc bạn cũng tự hiểu rồi.

Bên cạnh đó, sẽ có một phòng riêng “vinh danh” những nghệ sĩ đã ấn nút tự hủy cho sự nghiệp của mình vì phát ngôn hoặc hành vi bốc đồng nào đó. Và tôi sẽ mời một vài diễn giả về tổ chức hội thảo hướng dẫn mọi người cách phòng tránh những quyết định như thế. Đại khái nó sẽ bao gồm vài ý sau đây:

Hiểu về giá trị và thiên kiến

Bản chất của mọi quyết định khó khăn là sự cân nhắc các giá trị đi kèm: giá trị tài chính, giá trị tình cảm, giá trị xã hội và giá trị trí tuệ. Bạn phải xem xét tất cả chúng, và cân đong đo đếm một cách hợp lý cả kết quả trước mắt lẫn ảnh hưởng lâu dài. Việc cân nhắc vì vậy trở nên vô cùng khó khăn, bởi bạn khó nhìn nhận được mọi giá trị một cách rõ ràng.

Hầu hết mọi người đều thiên về những phần thưởng ngắn hạn và giá trị cảm xúc. Chúng ta thiên về niềm tin đã có từ trước, và đều mong muốn bảo vệ hình ảnh của mình. Thế nên chúng ta cũng rất tệ trong việc nhìn ra những phần thưởng lâu dài, bởi chúng bị những nỗi sợ và lo lắng trước mắt ta che khuất. Cảm xúc chi phối cách bạn nhìn nhận mọi thứ.

Bạn thấy vô cùng đau đớn khi phải từ bỏ điều bạn đã theo đuổi thời gian dài, mà niềm tin và thiên kiến tư duy không phải ngoại lệ. Nói cách khác, bạn khó có thể thừa nhận mình đã sai trong nhiều năm.

Nhưng trớ trêu thay đó lại là sự thật. Chúng ta đều theo đuổi các giá trị sai lầm ở một thời điểm nào đó trong đời. Và bạn sẽ không thể xác định các giá trị tốt hơn cho đến khi thừa nhận mình sai, và nhìn ra bạn đã sai như thế nào.

Một lỗi tư duy phổ biến khác là né tránh những thất bại ngắn hạn. Bạn sẵn sàng làm mọi cách để không phải chịu bất lợi ở hiện tại, dù nó khiến bạn phải bỏ lỡ những thành tựu về lâu dài.

Trên thực tế, việc tìm ra những thất bại nhỏ có thể làm đòn bẩy cho thành công dài hạn mới là thử thách thực sự dành cho bạn. Đây là khoản mà hầu hết mọi người rất tệ. Vì vậy nếu làm chủ được nó, bạn sẽ nắm trong tay không ít cơ hội.

Thi thoảng thất bại một cách có chủ đích

Có lẽ bạn đã nghe quá nhiều chuyện về những doanh nhân thất bại hơn chục lần trước khi thành công. Bài học mà chúng ta rút ra là, phải kiên trì và chăm chỉ mới có thể thành công.

Nhưng chúng ta thường chỉ để ý đến sự may mắn của họ. Đó chắc chắn cũng là một yếu tố dẫn đến thành công, song không phải tất cả. Thực tế hơn chục cái ý tưởng thất bại kia là những vụ “cá cược” với nhược điểm cực nhỏ và ưu thế cực lớn. Điều này có nghĩa nếu thua, họ chỉ mất một chút tiền (và công sức), nhưng nếu thắng thì họ thành công vang dội.

Bạn có thể hình dung nó thế này: Tôi cho bạn 2 cái xúc xắc, và nếu bạn đổ ra 2 mặt giống hệt nhau thì bạn được 200 triệu. Nhưng bạn phải bỏ ra 2 triệu cho một lần đổ.

Vậy bạn có muốn chơi không, và nếu có thì bạn muốn đổ bao nhiêu lần? Nếu bạn giỏi toán, tôi khá chắc chắn rằng bạn sẽ đổ hết tiền vào chơi đổ xúc xắc.

Đa số mọi người nhìn nhận cuộc đời như một lần đổ xúc xắc đơn, trong khi bản chất nó vốn là một chuỗi những màn đổ xúc xắc không ngừng. Vì vậy, một chiến lược khiến bạn mất nhiều trong một lần đổ có thể khiến bạn thắng lớn về lâu dài.

Nói cách khác, bạn sẽ thua nhiều hơn là thắng. Nhưng một khi đã thắng, thì số tiền bạn mất trước đó chẳng ăn nhằm gì với số tiền kiếm được. Bạn có thể áp dụng chiến lược “mạo hiểm” này trong cuộc sống để đạt nhiều thành tựu dài hạn hơn bằng các cách sau:

- Đưa ra một loạt ý tưởng “điên rồ” trong công việc, dù bạn biết 90% trong số chúng sẽ bị sếp từ chối. NHƯNG chỉ cần 1 cái được duyệt, thì bạn có cơ hội thăng tiến xa trong sự nghiệp.

- Cho con bạn tiếp xúc với những chủ đề khó ngay từ những năm tháng đầu đời. Khả năng chúng từ chối không học là rất cao. Nhưng nếu chúng tiếp thu được, thì các kiến thức này sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho chúng trên đường đời.

- Táo bạo hơn trong đời sống tình cảm. Chia sẻ rõ ràng về những gì bạn mong muốn ở đối phương, dù nó khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để tìm đúng “nửa kia”.

- Tìm những quyển sách khó đọc. Bạn có thể đọc chúng xong rồi không hiểu gì, nhưng cũng có thể tìm thấy một quyển có khả năng thay đổi cuộc đời bạn.

- Tham dự mọi sự kiện xung quanh bạn. Chúng có thể nhàm chán và khiến bạn về sớm, nhưng đôi khi bạn sẽ gặp được một người rất quan trọng hoặc thú vị.

Tựu chung lại, khi chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, bạn đã tự loại mình khỏi những lợi ích tiềm năng nhất trong cuộc sống. Và thủ phạm gây ra kiểu tư duy này chính là những cảm xúc khó chịu của chúng ta. Cảm xúc luôn thiên vị những thứ ngắn hạn, và điều này ngăn cản bạn ra những quyết định sáng suốt.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)