Năm “mới” sao mình vẫn cứ “cũ”: Thất vọng không của riêng ai

Tết này vẫn giống Tết xưa, vẫn còn con nít vẫn chưa có gì (trong tay).

Năm mới cận kề mà lòng vẫn lê thê với nỗi thất vọng “một năm tay trắng”. Công việc bất thành, tình yêu bất mãn, học hành nợ môn cùng hàng loạt vấn đề khác khiến ta bước vào 2023 với tâm trạng treo ngược cành cây.

Nếu bạn từng một lần thất vọng tràn trề, cảm thấy khá tệ về bản thân mỗi năm Tết đến, hiện tượng Holiday Blues (Lễ Buồn) sẽ lý giải cách tâm lý ta vận hành, và cho bạn một số cách tư duy đúng đắn để bớt khắt khe với bản thân hơn.

Holiday Blues: Tại sao Tết mà không vui?

Theo Very Well Mind, “Holiday Blues” là cảm giác trầm buồn, u uất đeo bám chúng ta xuyên suốt mùa lễ hội đáng ra phải rộn ràng. Trái ngược với quang cảnh nhộn nhịp xung quanh, những người “Holiday Blues” chỉ nhìn thấy sự tiêu cực và không thể hiểu nổi tại sao Tết phải vui.

Chính sự đối lập về cảm xúc dịp lễ Tết này khiến ta dễ thấy lạc lõng, cô đơn giữa bầu không khí tụ tập gia đình. Ta áp lực vì con cháu họ hàng ai cũng “có vẻ” giỏi giang, buồn vì bản thân không được xuất sắc, và không còn tìm thấy niềm vui trong những hoạt động mà ta từng rất vui thuở nhỏ như gói bánh, dọn nhà, trò chuyện cùng anh chị em nữa.

Áp lực phải thành công

Khi nhìn quanh ai cũng có thứ để khoe, hay “New Year - New Me” (Lột xác năm mới), ta cảm thấy mình như đang thụt lùi với thời đại “lại một năm nữa không có nổi một thành tựu gì nổi bật”.

Bạn bị ép phải “thành công” để giữ mặt mũi khi về thăm gia đình, phải có thành tích để bố mẹ còn nở mặt đem đi kể cho bà con. Sau tất cả, bạn chưa kịp thất vọng về bản thân thì áp lực từ phía gia đình đã làm điều đó thay bạn.

Những mặc cảm tự ti phải “có gì đó” để kể mùa Tết không chỉ làm Tết của ta mất vui, đây còn là tiền đề cho lối suy nghĩ tiêu cực gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của bạn sau này. Theo Liên minh Quốc gia về bệnh tâm thần Mỹ (NAMI), 64% người mắc các bệnh tâm lý sẽ trở nặng vào mùa lễ hội khi họ không thể hòa nhập cùng bầu không khí đông vui.

Ngoài áp lực phải thành công, Tết còn có thể buồn vì:

  • Thâm hụt tài chính: Cuối năm phải sắm sửa bao nhiêu là thứ hay với những ai đã lên chức dì-chú lại phải lì xì. Làm lụng để dành rồi tiền cũng vơi đi chóng vánh khiến ta dễ nản.
  • Thiếu ngủ: Bận rộn cuối năm khiến ta chỉ có 3-4 tiếng để ngủ cho một ngày, dẫn đến tâm trạng cáu gắt, thất thường vào hôm sau.
  • Ăn uống bất thường: Đối phó với trạng thái stress mùa cuối năm, ta có thể lao vào tiêu thụ chất kích thích như cafe, thuốc lá, bia rượu nhiều hơn bình thường và điều này cũng ảnh hưởng lên tinh thần khi Tết đến.

Kỳ vọng khiến ta thất vọng

Các nghiên cứu của Very Well Mind đã chỉ ra rằng sự chuyển giao năm mới khiến ta bồi hồi vô thức điểm lại hàng loạt sự kiện năm cũ như một cuộn phim tua chậm. Trong cuộn phim đó, ta dễ sa đà vào những thất bại, sai lầm và nuối tiếc hơn là điểm sáng thành công. Vì vốn dĩ ngay từ đầu cảm xúc ta giành cho những sự kiện tiêu cực đó thường nổi trội hơn cả.

"Đang yên đang lành tự dưng tới Tết”. Không phải tự nhiên mà đây trở thành câu cửa miệng của một số người khi năm mới gõ cửa. Cũng như deadline, Tết “dí” chúng ta phải làm cho hết mục tiêu A, dự định B, hay ít nhất là phần nào đạt được kế hoạch hoàn thiện bản thân của năm trước.

Chính những kỳ vọng phải ôm trọn mọi thứ khiến ta nặng nề khó chịu thấy bản thân “bất tài” khi làm gì cũng không xong. Ý thức được điều này chính là bước đầu tiên để ta thoát khỏi suy nghĩ tồi tệ về bản thân, và học cách tư duy tích cực hơn với các phương pháp sau đây.

Cách sống lạc quan giữa vùng trời bi quan

Suy nghĩ độc hại, hãy bỏ lại phía sau

Thất vọng về bản thân sẽ có ích nếu ta dùng nó như bàn đạp cố gắng, và có hại nếu ta đắm chìm vào thấy mình vô dụng bất tài. Mấu chốt ở chỗ, ta cần xác định mầm mống “độc hại” của tất cả luồng suy nghĩ trong đầu để kịp thời ngăn bản thân đắm chìm vào nó.

Vậy thì đâu là những suy nghĩ độc hại bạn cần loại bỏ dịp Tết?

  • Đổ mọi trách nhiệm lên bản thân: Biết đúng sai trên dưới là tốt, nhưng đôi lúc bạn cần nhìn nhận khách quan để thấy lý do thất bại không chỉ đến từ 1 mình bạn.
  • Đặt mục tiêu xa rời thực tế: Kiểu gì bạn cũng không đạt được mục tiêu đó, hãy hạ tiêu chuẩn xuống vừa tầm với để thấy đời “dễ thở” hơn.
  • Mặc định “không có thành tích” nghĩa là thất bại: Cũng như 1 cái cây cần 10 năm để đâm chồi nảy lộc, bạn cần nhiều thời gian hơn để thấy thành công. Chưa có, không có nghĩa là bạn không thể.
  • So sánh mình với họ hàng: Chuyện không của riêng ai, vì con người có xu hướng tập trung thái quá vào khuyết điểm của bản thân. Ngưng so sánh vì ai cũng có một cuộc đời và mốc thời gian riêng, biết đâu 2-3 năm nữa “thời” của bạn mới đến?

Tư duy cấp tiến để bản thân phát triển

Đáp lại trạng thái tiêu cực ngày Tết, bạn có thể làm gì để giải cứu bản thân? Ngay cả khi ta chưa có gì trong tay, tư duy đúng đắn sẽ giúp ta bình ổn cảm xúc và thu hút sự tích cực trong cuộc sống.

Bạn có thể thử nhìn nhận vấn đề theo cách tích cực như thế nào?

  • Chấp nhận rằng ta cần thời gian để thay đổi: Không thể ngày một ngày hai mà thành công, ta cần một quá trình dài hơn thế và những năm tháng đầu tiên gặp khó khăn là điều hiển nhiên.
  • Bước nhỏ mà có võ: Trân trọng từng thay đổi nhỏ của chúng ta, ví dụ như năm qua đã có thể duy trì thức dậy lúc 6h sáng thay vì 9h như trước. Từng thay đổi nhỏ có thể tạo thành quả lớn.
  • “Ta đạt được gì” thay vì “Ta mất những gì”: Dù những gì ta đạt được có vẻ ít ỏi, hãy tập trung vào nó bằng cách ghi ra nhật ký, trò chuyện cùng bạn bè,... để tiếp thêm tự tin cho bản thân và giữ tinh thần khỏe mạnh.
  • Không có thước đo nào cho “thành công”: Với người khác thì thành công là nhà cao cửa rộng, với bạn thành công chỉ là tự thưởng cho mình chiếc túi xách yêu thích sau khi nhận tháng lương thứ 13. Mỗi người đều có cách tận hưởng khác nhau.
  • Và “thành công” không phải lúc nào cũng đi kèm với “hạnh phúc”: Nhiều tiền có thể khiến cuộc đời ta dễ dàng, nhưng đồng thời cũng phải đánh đổi nhiều thứ khác như thời gian, mối quan hệ,...

Hãy nghĩ về lần gần nhất bạn cảm thấy vui, bạn đã vui vì lý do gì? Dù to lớn hay nhỏ bé, mọi nỗ lực của bạn trong năm qua đều xứng đáng được quy đổi thành niềm vui. Trân trọng chính bản thân mình sẽ là lá chắn vững chãi bảo vệ bạn khỏi bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào dịp Lễ Tết, và cả những cuộc hội họp sau này.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)