Những kỹ năng giao tiếp đang bị lãng quên

Nếu bạn mong muốn có nhiều cuộc nói chuyện thú vị hơn, thì bài viết này sẽ cho bạn một vài gợi ý mà mình đã ứng dụng hiệu quả mỗi ngày.

Có khi nào bạn cảm thấy ngại khi phải nhận một cuộc gọi trực tiếp từ ai đó, thay vì có thể nhắn tin?

Sự xuất hiện của điện thoại thông minh, và theo sau đó là hàng loạt các ứng dụng tin nhắn đã khiến cho việc giao tiếp hai chiều bằng giọng nói dần trở thành một sự lựa chọn ít được quan tâm hơn. Cũng vì thế mà chúng ta quên đi việc phải phát triển nó như một kỹ năng quan trọng trong công việc cũng như trong xã hội.

Vốn là một người không khéo léo trong ăn nói và đã từng trả giá nhiều lần cho những sai lầm trong giao tiếp, mình đã luôn cố gắng quan sát, tiếp cận và đặt câu hỏi để tìm ra những điều đáng học hỏi. Đến bây giờ khi nhận được những lời khen về việc giỏi ăn nói, mình vẫn tiếp tục cố gắng cải thiện kỹ năng.

Nếu bạn cũng cảm thấy rằng, dường như chẳng có nhiều người muốn nghe mình nói, hoặc nếu bạn mong muốn có nhiều cuộc nói chuyện thú vị hơn, thì bài viết này sẽ cho bạn một vài gợi ý mà bản thân mình đã ứng dụng hiệu quả mỗi ngày.

Nói sao cho “được lòng” rất khác với “lấy lòng”

Sẽ không cần phải nói quá nhiều về những lợi ích của việc giỏi giao tiếp trong cuộc sống.

Có được nhiều mối quan hệ xã hội là một loại tài sản quan trọng có thể giúp bạn thăng tiến trong công việc, thuận lợi trong cuộc sống. Tuy vậy, nói sao cho “được lòng” rất khác với “lấy lòng”, hay còn gọi là nịnh bợ.

Điều quan trọng là những gì chúng ta nói ra phải xuất phát từ sự chân thành. Nghĩa là nghĩ tích cực, nói tích cực, không nói ngược lại với những gì bản thân mình nghĩ. Thế nhưng không có nghĩa là ta cứ nói hết ra những gì mình nghĩ trong đầu, như Voltaire có nói: “Everything you say should be true, but not everything true should be said.”

Mình tin bài viết này phù hợp với những bạn đã có sự chân thành trong giao tiếp, và hiểu rằng chỉ vậy vẫn chưa đủ để có thể giữ được thiện cảm với mọi người.

Nói sao cho “được lòng”?

Mọi kỹ năng đều cần phải bắt đầu từ tư duy đúng đắn. Bên dưới là tổng hợp những tư duy mà mình nghĩ nếu ghi nhớ sẽ giúp chúng ta dễ đạt được những mục tiêu mong muốn khi giao tiếp hơn:

1. Hãy bắt đầu bằng một lời công nhận thật lòng

Chậm rãi quan sát những điều tích cực về đối phương (thay vì cố gắng tìm cho ra một điều gì đó để khen trong khi bạn không thấy thế) và nói về nó càng chi tiết càng tốt. Nếu không có gì đó để khen họ cũng không sao.

2. Không áp đặt thế giới quan của mình vào người khác

Mình luôn cố gắng không áp đặt thế giới quan của mình vào người khác, vì với mình, không có quan điểm đúng và sai, chỉ có đồng tình hoặc không đồng tình.

Nếu muốn nói ra một quan điểm trái ngược, mình sẽ tự hỏi liệu người nghe đã có đủ thông tin nền để tiếp nhận một góc nhìn khác với họ chưa.

3. Để ý tới lời nói dễ làm tổn thương người khác

Những lời dễ gây tổn thương thường là những ý kiến ta vội “dán nhãn” lên người khác. Hay đôi khi chúng là những lời bông đùa không đúng nơi, đúng chỗ. Bông đùa hay phủ nhận cảm xúc của người khác là điều cần phải đặc biệt cẩn trọng vì ta không thể hiểu được hết hoàn cảnh mà người kia đang trải qua.

4. Lựa chọn cách biểu đạt phù hợp cho từng tình huống

Tránh sử dụng các từ ngữ tiêu cực khi yêu cầu giúp đỡ, hay thay vì đưa ra “mệnh lệnh”, mình có thể chuyển nó thành gửi gắm hy vọng. Ví dụ, thay vì “Em có hiểu anh không?” hãy nói “Anh nói vậy có dễ hiểu không?” Thay vì “Em phải làm xong task này chiều nay.” thành “Cần giúp cứ gọi anh. Hy vọng task này sẽ xong trong chiều nay.”

Cuối cùng, việc tập luyện để tối ưu ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, cách khua tay, cử chỉ, dáng điệu,… sẽ giúp rất nhiều cho phong thái và cuộc nói chuyện của bạn.

Những lỗi giao tiếp dễ mắc phải

Đây là những lỗi mình đã nhận ra từ lâu, nhưng mỗi khi năng lượng bản thân xuống thấp, mình vẫn có xu hướng phạm phải chúng. Danh sách bên dưới như một lời nhắc nhở mình dành cho bản thân và hy vọng cũng có ích cho bạn.

Hãy tránh:

1. Ngay lập tức so sánh thành tựu

Một lần nọ người em của mình khoe cậu vừa đạt được một thành tựu trong công việc, mình phản hồi bằng một nội dung so sánh điều đó với một thành tựu khác mình đã đạt được rất lâu trước đây. Ngay lập tức, cuộc nói chuyện rơi vào một khoảng im lặng kéo dài bất thường.

Mình nhận ra bản thân đã vô tình tỏ ý “coi thường” thành tựu của cậu. Dù mối quan hệ có thân thiết thế nào thì lỗi giao tiếp này cũng làm giảm đi sự gắn bó và mong muốn chia sẻ từ người kia.

2. Cho lời khuyên ngay cả khi không được yêu cầu

Vì có trách nhiệm giải quyết vấn đề trong công việc, nên mình có thói quen đưa ra lời khuyên khi nghe ai đó chia sẻ vấn đề của họ. Tuy nhiên đôi khi lời khuyên của mình lại khiến họ khó chịu, vì thực tế họ chỉ đang muốn được lắng nghe. Để sửa lỗi này, mình thường bắt đầu bằng câu hỏi: “Em muốn được chia sẻ, hay muốn nghe giải pháp từ anh?”

3. Dùng kiến thức để tấn công

Như mình đã nói ở phần tư duy, quan điểm không có đúng sai. Thế nhưng nói thẳng thắn, có những lúc mình vẫn nổi nóng hay có những phản ứng không phù hợp khi nghe ai đó nói ra điều gì đó nhạy cảm với niềm tin cá nhân của bản thân, nhất là khi ý kiến đó có ảnh hưởng đến kết quả và giá trị công việc chung.

Việc tranh luận có thể là cần thiết trong công việc, nhưng mình nhận ra trong cuộc sống, nếu cứ giữ tâm thế phải phản ứng lại với tất cả những gì không đúng ý thì mình vô tình lại trở thành một “kẻ bắt nạt kiến thức” (intellectual bully).

Để tránh những tình huống không mong muốn, mình đã cố gắng xác định rõ đâu là những chủ đề mình nên tranh luận, chủ đề nào không. Về điều này, Roy Garn, một trong những người tiên phong quan tâm đến vấn đề giao tiếp giữa người với người, đã chỉ ra rất rõ trong cuốn Tử Huyệt Cảm Xúc - một công trình nghiên cứu hơn 17 năm của tác giả mà mình rất khuyến khích các bạn đọc.

Ông cho rằng có 8 chủ đề mà khi giao tiếp chúng ta hãy tránh bàn luận chuyện đúng – sai. Đó là: gia đình, tình cảm, tôn giáo, gu cá nhân, ngoại hình, sự thành đạt, bạn bè, chính trị. Đây là những chủ đề mà chúng ta thường đã hình thành những niềm tin cá nhân khó thay đổi trong nhiều năm. Thế nên một khi đã tranh cãi thì sẽ khó có hồi kết. Lúc đó không có ai thắng hay thua, mà chỉ có những rạn nứt tình cảm.

4. Toàn nói về bản thân và ít quan tâm đối phương

Mỗi khi gặp ai đó quá hợp cạ, mình lại thường bị sa đà nói quá nhiều về bản thân. Có thể mình may mắn thường gặp được những người thích nghe các quan điểm từ mình, nhưng điều này đã làm mất đi cơ hội để mình học thêm từ người khác.

Trên đây là những lỗi mình hay mắc phải, thế còn bạn, bạn có chia sẻ nào khác không?

Những lưu ý về nội dung khi nói

Có nhiều chủ để giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn, nếu được nhiều quan tâm mình sẽ suy nghĩ và tổng hợp những mẹo ở bài riêng. Còn phần này chỉ tập trung vào những ý mang tính hệ thống, giúp bạn đọc có thể sử dụng trong nhiều trường hợp:

1. Khi nói việc gấp, hãy nói từ từ, phải rõ ràng và đúng ý

Bởi tính chất của việc gấp là bị giới hạn về thời gian, nên đừng để người nghe vì hiểu sai mà làm sai.

2. Khi nhắc nhở việc nhỏ, hãy nói một cách hài hước để giúp việc góp ý những điều nhỏ nhặt hiệu quả hơn

Ví dụ: Nếu muốn nói canh mặn, hãy thử khen “Món canh này thật đậm đà, dễ khát nước.”

3. Khi một việc không có giá trị, và gây tổn thương người khác, tốt nhất là đừng nói

Mình đã từng bị mất một bé mèo vì rơi ban công, một người bạn của mình trách vì sao không rào ban công lại. Bạn nói đúng, không sai, nhưng nói vào lúc này vừa không giúp cho con mèo sống lại, vừa khiến cho sự tự trách của mình nặng nề hơn.

4. Khi nói với người yếu thế, hãy tìm cách động viên

Vẫn là câu chuyện trên, một người bạn khác lại nói “Anh đừng suy nghĩ như vậy nữa, chỉ làm tội anh hơn, bé mèo đã hoàn thành kiếp này rồi, ít nhất cũng đã từng có người chủ rất quan tâm em.”

5. Khi nói về việc mình chưa hiểu rõ, hãy cẩn thận chọn lựa từ ngữ mà nói

Đừng quá tự tin, cho là mình đúng, sẽ làm mất hình ảnh bản thân.

Ngoài ra, có 3 câu hỏi mình thường tự hỏi trước khi nói ra một điều quan trọng: Điều sắp nói có thật không? Đây có phải là điều tốt không? Điều này có hữu ích cho người nghe không?

Suy nghĩ cuối

Điều gì quan trọng, phải nhắc lại nhiều lần, bài viết này chỉ ra những phương pháp giúp cải thiện kỹ năng nói trong giao tiếp trực tiếp với người khác. Còn điều cốt lõi giúp ta “được lòng” người khác mình nghĩ vẫn là sự chân thành.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)