Các phân tích mới nhất cho thấy, việc quá chú trọng đến các vấn đề lý thuyết và ngữ pháp hàn lâm có ảnh hưởng không mấy tích cực đến sự phát triển của học sinh, sinh viên ở độ tuổi thành niên và vị thành niên. Không những thế, theo một số báo cáo của Viện Nghiên cứu Khoa học Anh Quốc, kết quả đầu ra tại các trường trung học phổ thông tập trung hoàn toàn vào việc dạy ngữ pháp cho thấy, các học sinh học tại đây có xu hướng bị hạn chế về khả năng giao tiếp xã hội cũng như các kỹ năng mềm cần thiết trong đời sống.
CEO tại Intel đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn của mình rằng, ông cảm thấy rất thất vọng khi 40 trong số 2.000 nhân viên cần tuyển dụng cho dự án đầu tư. Trong khi đó, sinh viên ngành Công nghệ Thông tin loại khá, giỏi vẫn ra trường hằng năm, các giải thưởng lớn vẫn được trao đều đặn, các cuộc thi Olympic toán học, vật lý, tin học,… quốc tế, sinh viên, học sinh vẫn đoạt giải cao. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết, kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp chiếm tới 75% sự thành công của con người. Theo khảo sát của Tổ chức Phát triển và Giáo dục Hoa Kỳ, những trẻ em được trải qua quá trình rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp, phân tích và xử lý tình huống có khả năng thành công cao hơn 30% so với các em chỉ được tiếp xúc với lý thuyết thông thường. Cũng theo nghiên cứu này, trẻ được đào tạo các kỹ năng mềm thường xuyên có xu hướng bộc lộ sự tự tin cũng như được khơi dậy tiềm năng từ rất sớm. Đây là một điểm đáng lưu tâm trong công tác giáo dục và đào tạo ở các bậc phổ thông trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, độ tuổi vị thành niên là thời điểm thích hợp nhất của một con người để bắt đầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng với hoàn cảnh và thói quen phân tích, xử lý tình huống. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những thời điểm thuận lợi để tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật như một hình thức để đảm bảo sự phong phú và khơi dậy tiềm năng của một bạn trẻ. Theo ông Peter Robinson, nhà sáng lập của Viện Đào tạo Nghệ thuật Anh: “Trường học không nên chỉ là nơi mà học sinh nhớ tới với những bài kiểm tra cùng áp lực thi cử triền miên. Trong tương lai, xu hướng mà chúng tôi – những người làm giáo dục muốn kiến tạo chính là xây dựng một môi trường nơi các bạn trẻ có thể phát triển một cách toàn diện, nhất là khả năng giao tiếp và xử lý tình huống”.
Điều này không chỉ thể hiện ở nền giáo dục của Anh, mà còn được rất nhiều nước phát triển trên thế giới hướng tới. Tại Phần Lan, giáo dục được thực hiện theo tiêu chí công bằng và hoàn toàn miễn phí đối với các học sinh, sinh viên. Giáo dục Phần Lan coi công bằng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Bên cạnh đó, Phần Lan cũng không tổ chức các cuộc thi sát hạch nhằm phân loại học sinh, giáo dục hướng đến học sinh yếu kém và biến nhà trường trở thành một môi trường thân thiện đối với học sinh.
Tại Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng với nền giáo dục phát triển vượt bậc, phát triển kĩ năng mềm được xem như một yếu tố đầu tiên được các trường học chú trọng. Giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh, học sinh là trung tâm, trường học là nơi để học sinh phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, giáo dục về khả năng thích nghi với hoàn cảnh và kỹ năng xử lý tình huống cũng rất được chú trọng.
Bên cạnh việc phát triển về kỹ năng, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Anh cũng đang hướng tới việc giảm số lượng và tăng chất lượng của các bài kiểm tra sát hạch, ngữ pháp. Trên thực tế, các bài kiểm tra đang dần bị đánh giá là xa rời thực tế và không đáp ứng tốt đối với nhu cầu phát triển của học sinh. Việc sát hạch hằng năm cũng đẩy nhiều học sinh hoặc trẻ vị thành niên vào các tình huống đáng tiếc. Chính vì thế, nhiều cơ sở giáo dục tại Anh đang bắt đầu tiến hành những cải cách nhất định để bắt kịp với định hướng phát triển mới. Theo đó, nhiều trường học đã bắt đầu giảm thiểu các kỳ thi sát hạch đầu vào. Các trường dạy ngữ pháp trên địa bàn cả nước cũng bắt đầu thay đổi các hình thức dạy học của mình. Tất cả đều hành động với một tôn chỉ, bất cứ sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất nhưng góp phần đem lại một nền giáo dục tốt hơn cho con em đều được xem xét thực hiện.