Với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng, thần Bếp đến muôn nhà ghi lại mọi việc tốt xấu để hàng năm vào mỗi dịp 23 tháng Chạp trở về bẩm báo.
Thông qua báo cáo của thần Bếp, Ngọc Hoàng sẽ có sự thưởng phạt khác nhau cho mỗi gia đình. Chính vì vậy, phong tục cúng, tiễn ông Công ông Táo về trời vào mỗi dịp cuối năm rất được người dân coi trọng và tổ chức trọng thể.
Ngoài ý nghĩa đó, theo tác giả cuốn Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên, người Việt xưa rất mực coi trọng Thổ Địa (Thổ Công) còn bởi có đất đai mới có nông nghiệp, là chỗ dựa cơ bản nhất cho sự tồn tại của con người; cung cấp nơi cư trú, cơm áo, chỗ đi lại…
Cũng đồng ý với quan điểm này, trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam có viết : “Cũng như nhiều hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam, truyền thuyết Thổ Công là một câu chuyện chứa đầy ý nghĩa triết lý. Sở dĩ Thổ Công là thần đất mà cũng là thần bếp vì đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất – nhà – bếp và người phụ nữ đồng nhất với nhau, đều tối quan trọng như nhau. Bộ ba hai ông một bà cùng chết trong lửa, hóa thành thần Bếp, được thờ bên trái, tạo nên một bộ tam tài đặc biệt”.
Trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam còn giải thích một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới.
Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.