Theo Mark Manson, bạn cần thực hiện những bí quyết này thường xuyên để biến chúng thành thói quen. Có như vậy, bạn mới “lên hạng” nhanh trong trò chơi cuộc đời.
Bí quyết 1: Chịu trách nhiệm cho mọi việc bạn làm, mọi quyết định bạn ra
Một cách phổ biến giúp bạn “đảo lộn” cuộc đời, là cho rằng mình chẳng thể làm gì với những vấn đề bị cuộc sống ném cho. Nhưng kỳ thực là bạn luôn có thể làm gì đó.
Khi suy nghĩ theo hướng này, bạn vô tình “rào” các phản ứng của mình theo hướng phớt lờ thay vì giải pháp. Và nếu bạn chỉ biết phớt lờ, nó sẽ sớm thành thói quen khó bỏ. Lúc nào bạn cũng sẽ chạy trốn mọi thứ và mọi người, để trở thành kẻ ích kỷ “chuyên nghiệp”.
Sự ích kỷ thường luôn đi đôi với phớt lờ. Nếu giải pháp khiến mọi người quanh bạn đều được hưởng lợi, thì sự phớt lờ sẽ cô lập bạn khỏi xã hội. Vì vậy, việc liên tục phớt lờ các vấn đề sẽ biến bạn thành đối tượng không ai muốn lại gần, trừ khi họ cũng phớt lờ chúng giống như bạn.
Bí quyết 2: Quan sát suy nghĩ của chính bạn
Tách biệt giải pháp khỏi sự phớt lờ không hề dễ dàng, bởi bạn có xu hướng lừa dối bản thân về những gì mình đang sao nhãng. Bạn tự nói với mình rằng chúng thực ra chỉ là niềm vui vô hại, và ta vẫn có thể kiểm soát chúng.
Tệ nhất là thời điểm bạn tin rằng, việc phớt lờ có thể trở thành giải pháp cho vấn đề tồn đọng. Chẳng hạn bạn cắm đầu làm việc 12 tiếng trong văn phòng, và cho rằng điều đó sẽ mang lại cho bạn một gia đình đầm ấm.
Không ít người dành vài năm, thậm chí vài thập kỷ theo đuổi những gì họ tin rằng sẽ giúp họ “lên trình”, để rồi nhận ra họ chỉ đang tìm cách tự thỏa mãn bản thân. Dù chúng mang lại cảm giác tuyệt vời, nhưng không đưa bạn đến cái đích cụ thể nào.
Để tránh rơi vào chiếc bẫy này, chúng ta cần phát triển khả năng quan sát nhận thức của chính mình. Khái niệm này trong tâm lý học gọi là “siêu nhận thức”, nhưng để cho dễ hiểu thì bạn cứ hình dung nó là “khả năng nhận thức để không trở thành một tên khốn”.
Để làm được điều này, bạn phải kéo được suy nghĩ ra khỏi đầu và coi như chúng không phải của bạn. Chỉ khi có khoảng cách tâm lý với các suy nghĩ của chính mình, bạn mới thấy chúng ngớ ngẩn đến mức nào.
Một cách phổ biến để “điểm mặt” suy nghĩ là viết chúng ra giấy. Bạn có thể viết nhật ký, blog hay thậm chí thư từ/email cho gia đình hoặc bạn bè. Quan trọng là bạn đang chủ động đào sâu vào các vấn đề trong cuộc sống của mình, và nhìn chúng từ con mắt người ngoài.
Chẳng hạn bạn gặp vấn đề với mẹ mình khi còn nhỏ. Bạn giải quyết nó bằng chất kích thích và hẹn hò với những cô gái thiếu thốn cảm xúc, để bạn có thể vui vẻ “đá” họ sau đó. Nghe thì có vẻ vui đấy, nhưng thử viết ra giấy mà xem, bạn sẽ thấy ý tưởng này kinh dị đến mức nào.
Bạn cũng có thể làm việc này bằng cách đi trị liệu tâm lý. Bạn nói suy nghĩ của mình cho chuyên gia, để họ kể lại cho bạn bằng giọng của họ. Lúc này bạn sẽ nhận ra sự vô lý trong suy nghĩ của mình. Có điều cách này tốn tiền hơn, nên nếu bạn muốn tiết kiệm, cứ viết chúng ra là bạn cũng sẽ tỉnh ngộ phần nào.
Bí quyết 3: Đừng than phiền nữa
Than phiền gần như chẳng có tác dụng gì. Máy bay trễ chuyến, taxi đi vào ổ gà hay nhà hàng hết món bạn thích… dù là vấn đề gì, thì trước mắt hãy hít một hơi thật sâu cho bình tĩnh lại đã.
Để than phiền, bạn chỉ cần chọn một vấn đề và kéo dài nó. Thế là từ phiền toái đến các vấn đề lớn đều biến thành những thực thể xã hội mà bạn phải bênh vực và bảo vệ đến cùng. Bạn phải đảm bảo mọi người đều hiểu và đồng ý với mình.
Và rồi từ lúc nào không hay, bạn trở nên độc đoán với ý kiến của mình. Bạn khẳng định nhà hàng này dở và sẽ cãi lại bất cứ ai không đồng tình, dù thực tế bạn còn chẳng quan tâm mấy đến nhà hàng. Đơn giản vì lời than phiền đó giờ trở thành bản dạng của bạn rồi.
Thế đấy, nhiều khi chúng ta than phiền không phải vì điều gì tồi tệ, mà vì muốn tìm sự đồng cảm từ người khác. Nhưng không may đây lại là cách sai lầm nhất để kết nối với những người xung quanh. Nó giống như giảm cân bằng cách bơi qua rãnh cống vậy. Đúng là bạn gầy đi thật, nhưng cái mùi hương bám trên người bạn thì sao đây?
Bí quyết 4: Dừng mơ mộng lại
Hồi còn học đại học, tôi có tham gia một khóa thiền. Tôi nhớ rất rõ trong phiên hỏi và đáp, ni sư từng khuyên rằng chúng tôi nên dừng mơ mộng trong cuộc sống hàng ngày.
Với một chàng trai 20 tuổi suốt ngày mơ mộng về các cô gái chân dài nóng bỏng, thì lời khuyên ấy chẳng khác một gáo nước đá dội ngang mặt. Đó gần như là ý niệm duy nhất của tôi về hạnh phúc thời điểm đó. Nhưng sau này khi đã cai được “cơn nghiện” phụ nữ nóng bỏng ấy, tôi mới nhận ra ni sư nói đúng.
Trí tưởng tượng con người có sức mạnh ghê gớm. Nó thú vị và là khởi nguồn cho nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh kinh điển của nhân loại. Nhưng khi bạn áp dụng trí tưởng tượng cho chính mình, nó có thể trở thành một kiểu phớt lờ khác. Nó giúp bạn né tránh những gì “thô nhưng thật” về mình, để sống gián tiếp qua những lý tưởng mà người khác cung cấp.
Nói cách khác, tưởng tượng là phương thức lý tưởng giúp bạn nằm im tại chỗ mà vẫn có cảm giác thành công. Đa số những gì bạn tưởng tượng về bản thân đều là phản ứng với sự bất an của chính mình.
Những năm tuổi 20 ấy, nỗi bất an lớn nhất của tôi chính là ngoại hình. Thế nên tôi mới mơ mộng về các cô gái nóng bỏng, nhưng nó cũng không giúp tôi đỡ bất an hơn tí nào. Trái lại, việc xem phim khiêu dâm liên tục khiến tôi trở nên ám ảnh với tư duy vật hóa phụ nữ. Sự ám ảnh này đã làm hỏng cách suy nghĩ và hành động của tôi.
Tương tự, nếu bạn mơ mộng về chiếc du thuyền hạng sang, bạn dễ đánh đổi cả phần đời còn lại của mình chỉ để mua nó. Nếu mơ mộng về việc được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ, thì bạn sẽ không đủ can đảm đứng lên bảo vệ chính mình khi cần thiết.
Trí tưởng tượng khá tương đồng với phớt lờ ở chỗ, bạn không nên dùng nó quá nhiều và chỉ nên dùng cho mục đích giải trí. Đừng để nó quyết định ý thức của bạn về giá trị bản thân. Nếu không, bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ lên được ván tiếp theo.
Bí quyết 5: Chia sẻ sự xấu hổ của bạn
Khi còn nhỏ, bạn thực sự bất lực trước nhiều vấn đề của cuộc sống. Vì vậy, bạn phải dựa vào bố mẹ để tìm cách giải quyết. Nhưng bố mẹ càng thất bại trong việc tìm giải pháp, bạn càng phải tìm thêm nhiều cách để phớt lờ chúng mà sống tiếp. Không phải vô cớ mà trẻ em lại tưởng tượng nhiều như vậy đâu.
Bạn càng tạo ra (hoặc được bố mẹ dạy) nhiều cách phớt lờ khi còn nhỏ, thì chúng càng dễ trở thành những thói quen theo bạn đến khi trưởng thành. Lúc này bạn lại quên rằng, phớt lờ chỉ là cách bạn phản ứng với vấn đề. Bạn cho rằng có điều gì sai trái về chính mình, và bạn phải giấu không để người khác thấy chúng bằng mọi giá.
Và để che giấu được sự xấu hổ, bạn phải tạo ra thêm nhiều cách phớt lờ khác. Cứ như vậy, bạn bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của phớt lờ và xấu hổ.
Để thoát khỏi vòng xoáy này và giải quyết những vấn đề đã đeo bám bạn từ thời thơ ấu, bạn cần chia sẻ chúng và nhận ra rằng: 1/ bạn không phải người duy nhất đang đối mặt với chúng, và 2/ bản chất sự phớt lờ là một cách không lành mạnh để bù đắp cho những cảm xúc tồi tệ của bạn về chính mình.
Người xưa hay nói phơi nắng là cách diệt khuẩn tốt nhất. Tôi nghĩ câu đó cũng đúng với chúng ta. Cách tối ưu để chữa lành những phần “mốc” nhất bên trong là phơi chúng ra ánh sáng.
Chúc bạn may mắn trong trò chơi cuộc đời. Hãy nhớ rằng trò chơi này vốn được thiết kế phức tạp. Cái khó không phải là chiến thắng nó, mà là hiểu được bản chất chiến thắng là gì. Đây mới là thử thách thực sự dành cho bạn: quyết định giá trị cuộc sống của mình, và có đủ can đảm để hiện thực hóa nó.
Nguồn: Vietcetera