Chào mừng bạn đến với bản hướng dẫn chiến lược cho trò chơi mang tên “Cuộc đời”.
Như bạn đã hiểu sơ lược, trò chơi này khá khó. Bạn sẽ phải đối mặt với những thách thức bất ngờ và những khoảng thời gian dài thất vọng. Bạn sẽ thường xuyên phải đấu tranh với nỗi nghi ngờ bản thân, cũng như bị choáng ngợp bởi sự vô vọng và mất mát.
Đúng như nhiều nhà hiền triết đã nói, đời là bể khổ. Nhưng đừng quá lo lắng, bởi hướng dẫn này được thiết kế ngắn gọn và súc tích, giúp bạn vượt qua các thử thách và hoàn thành trò chơi ở cấp độ cao nhất có thể.
Cách “chiến thắng” trò chơi cuộc đời
Mục tiêu của trò chơi cuộc đời rất đơn giản: lên level càng nhiều càng tốt. Mỗi level (ván chơi) trong cuộc sống là một thử thách cụ thể, mà khi bạn vượt qua sẽ lên được ván tiếp theo. Ai hoàn thành trò chơi ở cấp độ cao nhất sẽ có được “phần thưởng” là một đám tang long trọng bậc nhất.
Về cơ bản, có 5 ván chính trong trò chơi cuộc đời:
- Ván 1: Tìm đồ ăn để lấp đầy bụng, và chỗ ngủ để có nơi ngả lưng.
- Ván 2: Hiểu rằng bạn sẽ không chết sớm.
- Ván 3: Tìm đồng đội của bạn.
- Ván 4: Làm điều gì đó quan trọng, có giá trị cho cả bạn và người khác.
- Ván 5: Tạo di sản bất tử, tồn tại mãi đến muôn đời sau.
Ván 1 thì bạn chỉ cần đảm bảo mình không chết đói và có nhà để về. Đây là tiền đề để bạn lên các ván tiếp theo. Nếu bạn vẫn đang mắc kẹt ở ván 1, thì khả năng là bạn còn không biết bài viết này tồn tại.
Ván 2 thì khó hơn một chút, bởi nhiều người luôn có giường để ngủ mà vẫn không ngủ được. Nguyên nhân vì những tiếng súng nổ bên ngoài, hoặc vì bố/chồng họ say rượu, đang đập cửa và tìm cách đốt nhà. Những thứ này đều dở cả, nên bạn phải tìm một nơi an toàn để trú ngụ. Có như vậy bạn mới qua được ván 2.
Ván 3 chính là các mối quan hệ, bạn phải tìm đúng người để yêu và xác định đúng những người yêu thương mình. Cái này nghe thì vui và dễ dàng hơn bản chất thật của nó, bởi bạn biết đó, hầu hết chúng ta đều không giỏi việc này. Tìm ra những người giỏi cũng không phải dễ dàng.
Ván 4 yêu cầu bạn tích góp một số kiến thức hoặc kỹ năng có thể thêm giá trị cho thế giới xung quanh bạn, và khiến bạn cảm thấy như một người hùng.
Ván 5 thì đơn giản thôi, chỉ cần bạn cảm thấy mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa là được.
Đa số chúng ta được ba mẹ cho một khởi đầu tốt. Nếu may mắn, bạn sẽ được họ dắt tay đi qua 3 ván đầu tiên và chuẩn bị kỹ cho ván 4.
Nếu họ cho bạn cái ăn chỗ ngủ nhưng bỏ mặc bạn về tình cảm, thì bạn sẽ chơi 2 ván đầu một cách trầy trật, nhưng đến ván 3 là bạn tự lập được rồi. Còn nếu bị bỏ mặc từ khi mới sinh, thì bạn thật sự là huyền thoại khi đọc được đến tận đây.
Trò chơi này được thiết kế thế nào?
Cuộc đời là trò chơi quy mô lớn và phức tạp, có server lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Chúng ta đều bắt đầu với điểm xuất phát khác nhau, và được thả vào những môi trường có thể mang lại lợi thế hoặc bất lợi cho từng người.
Nhưng đa số chúng ta không thể khái niệm hóa cuộc đời, nên vô thức nghĩ rằng mình không kiểm soát được nó. Nhưng sự thật thì trò chơi này có kết cấu đơn giản đến ngạc nhiên. Nó được thiết kế dựa trên một số nguyên tắc cơ bản để mang tới cho người chơi những trải nghiệm có tính ngẫu nhiên lớn:
Nguyên tắc 1: Cuộc đời liên tục ném cho bạn những vấn đề khó khăn và bất ngờ
Cuộc sống là một chuỗi các vấn đề không bao giờ kết thúc mà bạn phải đối mặt, vượt qua và/hoặc giải quyết. Nếu một thời điểm nào đó nó hết vấn đề để ném cho bạn, thì bạn sẽ vô thức tự nghĩ ra vấn đề cho chính mình.
Vấn đề là thứ khiến bạn luôn bận rộn, và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vì vậy chúng là tiền đề để bạn lên ván 4 và 5 (tạo giá trị và để lại di sản).
Là người chơi, chúng ta thường dành thời gian chuẩn bị kỹ càng để đối phó với các vấn đề mà ta biết chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng chính bởi thói quen này, những vấn đề bất ngờ ập tới bao giờ cũng khó xử lý nhất.
Khi gặp quá nhiều vấn đề liên tục, người chơi sẽ có cảm giác thiếu kiểm soát với chính cuộc đời mình. Nhưng kỳ thực mục đích cuộc sống không phải là kiểm soát những gì xảy ra với bạn, mà là kiểm soát cách bạn phản ứng với chúng.
Nguyên tắc 2: Người chơi có thể xử lý vấn đề bằng giải pháp hoặc phớt lờ
Mọi người chơi phải chọn một phản ứng để đối mặt với vấn đề. Kể cả khi bạn chọn không làm gì, thì đó cũng là một cách phản ứng. Các phản ứng được chia làm 2 dạng: giải pháp và phớt lờ.
Giải pháp là những hành động và mục tiêu có thể giải quyết một vấn đề, đồng thời ngăn nó tái diễn trong tương lai. Còn “phớt lờ” ở đây là những hành động được thiết kế giúp người chơi không nhận thức được sự tồn tại của vấn đề, hoặc giảm bớt nỗi đau mà nó gây ra.
Nếu người chơi nhận thấy họ hiểu bản chất vấn đề và có thể giải quyết, họ sẽ chọn giải pháp. Còn nếu quá mệt mỏi với cuộc đời, họ sẽ chọn phớt lờ để coi như vấn đề không tồn tại.
Nguyên tắc 3: Mỗi giải pháp (hoặc sự phớt lờ) được sử dụng càng nhiều, càng trở nên dễ dàng trong tương lai
Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ tự động dùng chúng một cách vô thức. Lúc này, giải pháp hay sự phớt lờ đều trở thành thói quen - yếu tố cần thiết giúp bạn không bị lùi về các ván trước.
Khi đã tìm ra giải pháp cho một ván chơi, bạn phải lặp lại thường xuyên nhất có thể để nâng cấp nó thành thói quen. Khi đã hình thành thói quen, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua ván chơi để lên level tiếp.
Nguyên tắc 4: Giải pháp sẽ giúp bạn lên trình, còn phớt lờ khiến bạn mãi dậm chân tại chỗ
Bạn phải giải quyết được vấn đề thì mới lên được ván tiếp theo. Vì vậy, việc phớt lờ sẽ khiến bạn kẹt mãi trong ván chơi hiện tại, đặc biệt nếu nó biến thành thói quen.
Nếu bạn thắc mắc vì sao mọi mối quan hệ của mình đều chẳng đi đến đâu, thì khả năng là các thói quen xấu này đang ngăn bạn đạt tới sự thân mật thực sự. Phải vượt qua được chúng, bạn mới hoàn thành ván 3.
Nguyên tắc 5: Công thức chiến thắng trò chơi cuộc đời thực ra rất đơn giản:
- Xác định các giải pháp bạn đã có, và những thứ bạn đang phớt lờ.
- Loại bỏ các yếu tố phớt lờ, thay bằng giải pháp.
- Hưởng lợi và tiếp tục quy trình.
Một ví dụ đơn giản: Sếp có vấn đề với bạn trong công việc. Bạn có thể chọn tìm kiếm giải pháp, như nói chuyện trực tiếp, tìm cách thuyên chuyển hoặc làm việc tốt hơn. Hoặc bạn có thể phớt lờ nó đi bằng cách tiệc tùng hàng đêm, hút cần/chơi đá hoặc xem phim khiêu dâm.
Bạn càng chọn giải pháp nhiều lần, thì càng dễ chọn lại nó trong những lần tiếp theo gặp vấn đề với sếp. Ngược lại, bạn càng phớt lờ thì việc né tránh vấn đề sẽ trở thành thói quen. Cuối cùng, bạn trở nên bế tắc và nghiện sex, rượu hoặc đá.
Và bạn cần lưu ý rằng, được “lên trình” không có nghĩa bạn dừng lại ở các ván chơi trước. Bạn vẫn cần phải ăn để sống (ván 1), phải an toàn để thành công trong mọi việc (ván 2) và phải đầu tư để xây dựng mối quan hệ bền vững (ván 3).
Thế nên đừng nghĩ việc lên trình giống như chuyển từ tung hứng bóng sang tung hứng dao. Nó phải là tung hứng 3 quả bóng rồi lên 4 quả, 5 quả… trước khi bạn chuyển từ bóng sang dao.
Trong phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ hướng dẫn bạn vài bí quyết “ăn gian” trò chơi này để lên trình theo cách ngoạn mục nhất có thể. Nhưng lưu ý là bạn phải thực hiện chúng thường xuyên để phát huy tác dụng, giống như với giải pháp và sự phớt lờ. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn để biến chúng thành thói quen của riêng mình.
Còn tiếp…
Nguồn: Vietcetera