Mấy năm gần đây, tôi có ý tưởng viết một bài tự lực (Self-help) kiểu châm biếm với đề tài "Bí quyết để năng suất như Adolf Hitler". Nội dung vẫn sẽ tập trung vào những mẹo Self-help phổ biến như đặt mục tiêu, hình dung và thói quen buổi sáng. Tuy nhiên chúng sẽ được thể hiện qua những "chiến công" của Hitler dạng như:
"Hitler bắt đầu ngày mới lúc 5 giờ sáng với bài tập yoga nhanh và 5 phút viết nhật ký. Với những chiến lược này, ông có thể tập trung tâm trí vào các mục tiêu đầy tham vọng của mình."
"Hitler đã tìm ra mục đích sống của mình vào những năm đôi mươi trong một quán bia, và theo đuổi nó không ngừng. Nhờ vậy ông truyền lửa đam mê cho cuộc đời mình và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác."
"Adolf là người ăn chay nghiêm ngặt. Ông luôn dành thười gian trong lịch trình bận rộn với việc diệt chủng và thống trị thế giới để khám phá khía cạnh sáng tạo của mình. Ông dành ra vài tiếng mỗi tuần để nghe nhạc opera và vẽ tranh phong cảnh."
Nghĩ đến thôi tôi đã thấy buồn cười, chắc bởi tôi là một gã bệnh. Nhưng cuối cùng, tôi chưa bao giờ đủ can đảm để viết nó ra vì mấy lý do sau:
- Một số người sẽ cảm thấy bị xúc phạm và quyết định khủng bố tinh thần tôi trong email và mạng xã hội.
- Một số người khác không nhìn thấy sự châm biếm trong bài sẽ nghĩ tôi thực sự theo chủ nghĩa phát xít.
- Một nhà xuất bản nào đó sẽ đăng tin kiểu "Tác giả nổi tiếng tự nhận theo chủ nghĩa tân quốc xã" và sự nghiệp của tôi sẽ đi tong.
Điều này làm tôi khá khó chịu. Vì tôi nghĩ viết về năng suất và tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc của Hitler (theo lối châm biếm) thể hiện một cách hoàn hảo quan niệm tôi đã đúc kểt từ lâu về "thành công" là thống trị thế giới và tàn sát hàng triệu người như Hitler đã làm, thì làm việc chăm chỉ, kỷ luật hay đạt được mục tiêu đều trở nên tồi tệ.
Nhưng phải nói thật, nếu bỏ qua khía cạnh đạo đức thì Hitler là một trong những người tự lực thành công nhất lịch sử. Từ một họa sĩ nghèo không xu dính túi, ông trở thành chỉ huy cả một đất nước và một lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới trong hai thập kỷ. Ông nỗ lực không ngừng, tập trung cao độ vào mục tiêu của mình và ảnh hưởng đến lịch sử thế giới như bất kỳ vĩ nhân nào.
Đáng buồn thay, tất cả nỗ lực ấy hướng đến những mục tiêu hủy diệt. Hàng chục triệu người đã bỏ mạng vì những giá trị sai lệnh ông theo đuổi.
Khi một người nói "Tôi muốn trở nên tốt hơn", thì định nghĩa của họ về "tốt" phản ánh những gì họ coi trọng. Một số người coi "tốt" là kiếm được tiền, số khác lại là xây dựng gia đình hoặc có được những trải nghiệm thú vị. Cái "tốt" đó được xác định bởi giá trị cá nhân của chúng ta.
Thế nên bạn không thể bàn về hoàn thiện bản thân mà bỏ qua giá trị. Chỉ "phát triển" và trở thành "phiên bản tốt hơn" là chưa đủ, bạn phải định nghĩa được nó là gì. Bạn phải quyết định xem bản thân muốn phát triển theo hướng nào. Vì nếu không thì chúng ta đều sẽ gặp rắc rối.
Rất nhiều người không nhận ra điều này. Họ bị ám ảnh với việc luôn vui vẻ và hạnh phúc mà không nhận ra rằng, nếu họ theo đuổi những giá trị sai lệch thì cảm giác vui vẻ sẽ gây tổn thương nhiều hơn là giúp ích cho họ.
Vì vậy tôi sẽ nói về giá trị trong bài viết này – về định nghĩa và lý do chúng tồn tại. Về nguyên nhân chúng ta thấy một số thứ quan trọng, kết quả của sự quan trọng đó là gì và chúng ta có thể tiếp tục tìm kiếm và thay đổi chúng ra sao. Chủ đề này không đơn giản chút nào.
Chúng ta làm những gì bản thân thấy giá trị
Dù bạn có nhận ra hay không, thì ở mọi khoảnh khắc trong ngày, bạn đang ra quyết định về cách sử dụng thời gian của mình, về cái gì bạn muốn chú ý đến, về nơi bạn muốn hướng năng lượng của mình tràn về.
Ngay bây giờ bạn đang chọn lọc bài viết này. Có vô số việc khác bạn có thể làm, nhưng trong chính giờ phút này thì bạn lựa chọn ở đây. Có thể trong một phút nữa, bạn quyết định phải đi giải quyết nỗi buồn. Hoặc ai đó nhắn tin và bạn phải dừng đọc để kiểm tra.
Khi những việc đó xảy ra, bạn đưa ra một quyết định đơn giản dựa theo giá trị: Điện thoại (hoặc nhà vệ sinh) của bạn quan trọng hơn cái bài viết này. Và hành vi của bạn tuân theo suy nghĩ đó.
Điều này vô cùng quan trọng. Bởi chúng ta đều có một số thứ ta nghĩ (và nói) ta coi trọng, nhưng lại chưa từng củng cố chúng bằng hành động. Tôi có thể nói với mọi người (và với chính tôi) rằng tôi quan tâm đến biến đổi khí hậu và tác hại của mạng xã hội. Nhưng nếu tôi dành cả ngày lái chiếc SUV ngốn xăng và kéo newsfeed liên tục, thì những hành vi này lại thể hiện thông điệp khác hẳn.
Hành vi không biết nói dối. Ta luôn tin rằng ta muốn có công việc đó. Nhưng khi phải đưa ra quyết định, ta lại nghĩ sẽ chẳng ai gọi ta phỏng vấn, đẻ rồi tiếp tục chơi điện tử. Ta nói với bạn gái rằng ta muốn gặp cô ấy, nhưng chỉ cần vài anh bạn gọi đi nhậu là lịch trình ta tự nhiên giãn nở một cách thần kỳ.
Khi ta mất kết nối với những giá trị của chính mình
Nhiều người trong chúng ta nêu ra những giá trị ước mình có thể che đậy những giá trị ta thật sự có. Cách này có thể khiến khát vọng trở thành một hình thức trốn tránh. Thay vì đối mặt với con người thật của chính mình, ta đánh mất bản thân vào con người ta mong muốn trở thành.
Nói cách khác, chúng ta nói dối bản thân bởi chúng ta không thích một vài giá trị mình đang có. Do đó, ta không chấp nhận một phần của chính mình. Chính khoảng cách giữa nhận thức bản thân và thực tế là nguyên nhân dẫn đến mọi rắc rối.
Đó là bởi giá trị phần mở rộng, giúp xác định danh tính của chúng ta. Khi điều tốt xảy ra với người bạn yêu quý, bạn cảm thấy tốt. Chẳng hạn khi mẹ bạn mua xe mới, chồng bạn được thăng chức hoặc đội bóng bạn thích giành cúp vô địch, bạn đều cảm thấy vui như thê những điều này xảy ra với chính bạn.
Điều ngược lại cũng đúng luôn. Nếu bạn không coi trọng cái gì, bạn sẽ thấy vui nếu điều gì tệ xảy ra với nó. Người ta xuống đường hò reo khi Osama bin Laden bị ám sát. Với hàng triệu người, việc tiêu diệt được một kẻ bị cho là xấu xa giống như một chiến thắng vĩ đại về đạo đức.
Vì vậy, khi chúng ta mấy kết nối với những gì giá trị của chính mình, thì niềm tin cũng bị tách rời khỏi cảm xúc và hành động. Điều này giống như ta coi trọng việc cày game cả ngày, nhưng lại tin rằng chăm chỉ mới là giá trị cần theo đuổi. Và để kết nối chúng lại, ta buộc phải trở nên ảo tưởng về cả bản thân và thế giới.
Vậy giá trị của bản thân có thể thay đổi hay không? Cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
Nguồn: Vietcetera