Với thế hệ 8X - 9X, khi nhiều bạn bắt đầu ổn định tài chính thì cũng là lúc cha mẹ đến tuổi về hưu. Đó là lúc chúng ta cần giúp đỡ cha mẹ trong giai đoạn tuổi già của họ.
Cuộc sống của một người trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng. Bước qua tuổi 18, ta dần phải tự chủ tài chính cho bản thân. Lớn hơn chút nữa, khi lập gia đình, ta lại dần phải đầu tư cho thế hệ sau.
Việc xây dựng một kế hoạch tài chính tốt, với sự cân nhắc đầy đủ cho cha mẹ, bản thân và thế hệ sau vì thế là vấn đề then chốt của một công dân thời đại. Trong hành trình đó, ta có thể giúp đỡ về tài chính cho cha mẹ như thế nào để giữ sự hài hòa?
1. Hỗ trợ trực tiếp
Hỗ trợ tài chính trực tiếp nghĩa là gửi tiền mặt. Ví dụ, ta có thể trích một phần thu nhập cố định hàng tháng để gửi cha mẹ, hay thỉnh thoảng hỗ trợ cha mẹ như một khoản tiền quà tặng, từ thu nhập bất thường, hay tiền thưởng của năm.
Ở Việt Nam, số người có lương hưu chỉ chiếm 1/5 số người ở tuổi về hưu. Không những thế, mức lương hưu trung bình hiện ở mức 4 - 5 triệu đồng/ tháng là rất khó để trang trải chi phí cuộc sống đắt đỏ ở các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội.
Chính vì thế, nếu cha mẹ không có quá nhiều tài sản và phải phụ thuộc nhiều vào lương hưu, việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho họ là vô cùng ý nghĩa!
2. Thanh tóa các hóa đơn sinh hoạt
Ngoài hỗ trợ tài chính trực tiếp, ta cũng có thể thanh toán các chi phí hàng tháng như tiền điện nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp v..v.. Hiện nay các dịch vụ này đều được thanh toán rất tiện lợi qua các ứng dụng, nên con cái dù ở xa vẫn có thể thực hiện dễ dàng.
Các dịch vụ Internet banking hay ví điện tử hiện nay cũng rất phổ biến, giúp việc chuyển tiền thuận tiện và nhanh chóng.
Người Việt thường nói "nước mắt chảy xuôi", nghĩa là thế hệ trước lo cho thế hệ sau chứ không cần chiều ngược lại. Nhưng trên thực tế thì cuộc sống có nhiều vấn đề cơm áo gạo tiền.
Vì vậy, rất có khả năng thu nhập khi về già của cha mẹ không đủ để trang trải. Việc thanh toán các hóa đơn sinh hoạt sẽ giúp họ rất nhiều!
3. Thanh toán các chi phí an sinh
Con cái cũng có thể hỗ trợ cha mẹ chi phí lương thực thực phẩm, chi phí đi du lịch và chi phí chăm sóc sức khỏe. Hiện nay cũng có nhiều người chọn gói bảo hiểm có quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ. Đây chính là một giải pháp thay thế cho việc hỗ trợ tài chính.
Ở tuổi già, dù thu nhập giảm đi nhưng các chi phí không hề giảm, mà có khi còn tăng lên, đặc biệt là các chi phí liên quan đến chăm sóc y tế. Nếu không có một khoản dự phòng lớn từ trước, hay các sản phẩm bảo hiểm phù hợp thì nếu chẳng may phát sinh rủi ro, các chi phí này sẽ là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình.
Trong trường hợp bố mẹ không có khoảng cách tuổi quá lớn với con (ví dụ trong khoảng 30 tuổi đổ lại), thì chunsh ta cũng có thể cân nhắc một số loại bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư hay bảo hiểm hưu trí.
Ví dụ với trường hợp con cái ra trường và có công ăn việc làm tốt ở tuổi 22, bố mẹ ở tuổi 50 thì những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với thời hạn trung bình 15 năm sẽ phù hợp với kế hoạch tài chính. Với số tiền tích lũy được, ta cũng có thể chuyển sang thu nhập định kỳ hàng tháng một cách linh hoạt sau này.
4. Tạo thu nhập thụ động
Nếu cha mẹ có điều kiện, thì chúng ta còn có thể giúp đỡ qua việc tối ưu hóa tài sản để tạo thu nhập. Chẳng hạn ta có thể tham vấn để ch mẹ lựa chọn hình thức đầu tư như cho thuê bất động sản hay đầu tư vào các công ty có cổ tức ổn định, đầu tư vào một số loại trái phiếu.
Việc có một nguồn thu nhập thụ động cũng giúp cha mẹ chủ động hơn rất nhiều về mặt tài chính đấy!
Có không ít trường hợp, cha mẹ dù khó khăn nhưng nhất định không muốn làm phiền đến con cháu nên không muốn ngỏ lời. Chỉ khi nào con cái chủ động, và thực sự có lòng thực hiện thì cha mẹ mới nhận sự giúp đỡ quan tâm.
Chính vì thế, trừ những người còn khó khăn, hay vì lý do gì đó không hề quan tâm đến cha mẹ, thì việc chu cấp một phần hay toàn bộ về tài chính để giúp đỡ cha mẹ là điều nên làm với con cái đã trưởng thành và có công ăn việc làm. Và chúng ta làm điều đó với lòng biết ơn!
5. Nhưng ta cũng cần chuẩn bị cho tương lai
Ở nhiều nước phát triển, người về hưu hầu như ai cũng có lương hưu, hoặc ít nhất cũng có trợ cấp xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên ở Việt Nam thì việc chuẩn bị tài chính cho tuổi già vẫn chưa được phổ biến rộng.
Chính vì thế, không chỉ lo cho cha mẹ, ta cũng cần chuẩn bị những bước đi tương lai cho chính mình đấy. Vì việc xây dựng kế hoạch tài chính cho một công dân thời đại là không hề đơn giản đâu, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể.
Thế hệ 8X - 9X ngày nay cần xây dựng kế hoạch tài chính để vừa có thể hỗ trợ được cho cha mẹ, vừa cho chính bản thân mình và cho con cái. Dù mỗi người, mỗi gia đình có thể có hoàn cảnh, điều kiện và mục tiêu khác nhau, đây vẫn là những khoản mục cần phải có.
Có một số người cực đoan, cho rằng sinh con là quyết định của cha mẹ, và cha mẹ phải có trách nhiệm với quyết định của mình trong việc nuôi dạy con cái. Tuy điều này cũng có thể đúng một phần theo quy định pháp luật ở một số nước, nhưng đó chỉ là phần nuôi mà thôi.
Một đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có sự chăm lo, yêu thương của cha mẹ thì khả năng thành công là cao hơn rất nhiều so với đứa trẻ chỉ được cha mẹ nuôi đơn thuần về mặt vật chất. Đặc biệt ở một xã hội Á Đông như Việt Nam, văn hóa đôi khi còn là một yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn các quy định của pháp luật.
Nguồn: Vietcetera