Giả sử một chút rằng, bạn quyết định bạn muốn trở nên giàu có. Có thể bạn đã chán ngấy cảnh nợ nần ngập đầu và những bữa mì tôm mỗi cuối tháng hết tiền. Có thể bạn được truyền cảm hứng mãnh liệt bởi một người thành nào đó, và bạn quyết tâm “được ăn cả, ngã về không”… để rồi phá sản vài năm sau đó.
Bất kể lý do là gì thì bạn cũng đã quyết định phiên bản mới của mình sẽ lái xe Rolls-Royce, uống champagne và tổ chức những bữa tiệc bể bơi xa hoa. Vậy thì đây sẽ là cách bạn hình dung về việc làm giàu như đa số người khác:
- Bắt đầu bằng cách kiếm 100 đô.
- Rất tốt, giờ bạn cố gắng kiếm 1000 đô.
- Thật khó khăn, nhưng giờ bạn nâng mục tiêu lên 10,000 đô.
- Cuối cùng bạn cũng đạt được nó. Nhưng 3 năm trôi qua, và chỉ nghĩ đến việc nâng tiếp mục tiêu lên 100,000 đô đã khiến bạn muốn bỏ cuộc và vào tu viện sống.
- Bạn nghĩ "chết tiệt" và mua TV màn hình phẳng 60 inch. Và cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
- Giấc mơ về những bữa tiệc trên du thuyền tan biến, cùng với phần lớn số tiền tiết kiệm của bạn.
Đa số mọi người nghĩ như thế. Và thực tế là đa số họ không giàu có, mà ở trạng thái đa số họ không giàu có, mà ở trạng thái ngược lại. Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu bạn chưa từng đọc sách về tích lũy tài sản, thì đây mới thực sự là cách người giàu làm giàu (mà không phá sản):
- Bắt đầu bằng cách kiếm 100 đô
- Đầu tư 100 đô đó vào các kỹ năng, khóa học hay tài sản để kiếm về 1000 đô.
- Đầu tư 1000 đô đó vào các kỹ năng, khóa học hay tài sản để kiếm về 10,000 đô.
- Đầy tư 10,000 đô đó vào các kỹ năng, khóa học hay tài sản để kiếm về 100,000 đô.
- Đầu tư 100,000 đô đó đến khi bạn chill trên du thuyền như một tỷ phú Nga thực thụ.
Đây là hai tư duy đối nghịch về làm giàu. Những người ở tầng lớp nghèo hoặc trung lưu xem tiền là một thứ để tiêu. Còn những người giàu coi tiền như một thứ để đầu tư.
Bạn có thể gọi đây là cách "tư duy tiêu xài" so với "tư duy đầu tư". Một cách giúp bạn trở nên giàu có, cách còn lại khiến bạn mãi giậm chân tại chỗ.
Vì sao tôi lại nói tất cả những điều này? Vì nó áp dujg cho cả việc tạo thói quen và đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Thực tế là hai khái niệm này giống hệt nhau.
Mục tiêu và thói quen
Khoảng thời gian đặt mục tiêu phổ biến nhất có lẽ là ngày đầu năm mới. Bạn bè bạn thi nhau chia sẻ những mục tiêu năm mới đáng ghen tị trên mạng xã hội với niềm tin sai lầm rằng, lời cam kết công khai này sẽ giúp họ hoàn thành.
Chúng ta có lẽ đều đã lập một, hai, hoặc cả trăm mục tiêu cho năm mới. Một trong những cam kết được lập nhiều nhất là, "tôi muốn giảm 10kg để trông thật quyến rũ cho mùa hè".
Tôi nghĩ ai cũng từng lập một mục tiêu khiển này trong đời. Trong hầu hết trường hợp, bạn tỉnh dậy sau bữa chè chén giao thừa vào sáng 1/1, sau đó ra phòng tập gym đăng ký vào mùng 2. Rồi bạn ép bản thân đi tập 5-6 lần trong các tháng tiếp theo vì cảm giác tội lỗi. Nhỡ đâm lao rồi đành phải theo lao, bạn đã đong cả đống tiền vào đó thì phải sử dụng hết.
Nhưng bạn chẳng biết mình đang làm gì. Và trời ơi, riêng việc nhìn những người thon thả xung quanh tập đến toát mồ hôi đã khiến bạn lười rồi. Cái máy chạy bộ này có thể chậm hơn không? Vì bạn mệt lắm rồi. Bạn muốn một chiếc bánh burger, hoặc một que kem. Hoặc một viên kem hình bánh burger.
Thoáng cái đã sang tháng 2. Bạn quay trở lại nằm dài trên chiếc sofa của mình, cày phim và tự hỏi vì sao quần áo mình đều nhăn nhúm hết cả.
Đến lúc này, có lẽ bạn đã thấy vấn đề của việc lập mục tiêu nằm ở đâu. Chúng ta có xu hướng dựa quá nhiều vào ý chí và trốn tránh những thói quen hữu ích. Ta thường cắn miếng to hơn mình có thể nhai, và đặt ra những mục tiêu xa vời so với kiến thức hoặc khả năng của mình. Để rồi sau đó, ta thất vọng khi bản thân không có nhiều tiến bộ.
Chúng ta bị cám dỗ bởi các "lối tắt" để đạt những mục tiêu có thể hủy hoại bản thân về lâu dài. Nhịn đói để giảm cân, hoặc gian lận để đạt điểm cao trong bài thi là những ví dụ điển hình. Những điều trên đều đúng. Nhưng tôi muốn gợi ý một điều khác.
"Giảm 10kg trước mùa hè" là một mục tiêu tồi tệ ngay từ đầu. Vì nó xuất phát từ cùng một tư duy xài tiền khiến người ta cứ mãi nghèo - hoặc trong trường hợp này, khiến ta cứ mãi mập. Họ nhìn cuộc sống một cách đơn giản theo kiểu "làm thật nhiều X, cuối cùng sẽ được Y".
Bạn khó có thể giàu bằng cách làm việc "bục mặt" và tiết kiệm trong 20 năm. Tương tự như vậy, việc ép bản thân đi tập hàng chục lần chưa chắc khiến bạn giảm được cân và giữ được dáng. Những mục tiêu kiểu này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng chúng dường như không bao giờ "bền". Cuối cùng năng lượng và ý chí của bạn cạn kiệt, và bạn quay trở lại phiên bản trước kia, chỉ khác là giờ bạn cảm thấy thất bại.
Vì vậy, bạn nên đầu tư khả năng tập trung và sức lực co hạn của mình vào việc xây dựng thói quen hơn là các mục tiêu cụ thể. Trong đầu tư, bạn muốn đồng tiền bạn kiếm ra làm việc cho mình. Ở bối cảnh cuộc sống, bạn tỏ ra nỗ lực để thay đổi bản thân, sau đó dùng kết quả tiếp tục tạo ra những thay đổi khác.
Người ta thường không tập trung vào xây dựng thói quen, vì "mục tiêu" nghe đao to búa lớn hơn nhiều. Chúng giúp ta cảm thấy có động lực hơn trong khoảnh khắc nghĩ đến chúng. Trong đầu ta có một hình ảnh rõ ràng về một kết quả nhất định, và điều đó khiến ta phấn khích.
"Thói quen" thì nghe không vĩ đại bằng. Tính chất dài hạn và lặp đi lặp lại khiến chúng có phần nhàm chán. Và không có một hình ảnh rõ ràng nào ta có thể tưởng tượng về việc "đi tập mỗi sáng trong vòng một năm" hay "chỉ uống đồ có cồn vào cuối tuần". Bạn không có cảm hứng gì khi tưởng tượng mình ăn salad cho bữa trưa mỗi ngày. Bạn không nằm trên giường ban đêm để mơ tưởng về việc xỉa răng vào mỗi sáng.
Mục tiêu là món hời chỉ diễn ra một lần. Nó chính là ví dụ của tư duy tiêu xài: "Tôi sẽ bỏ ra X lượng năng lượng để đạt được kết quả Y". Ngược lại, thói quen chính là tư duy đầu tư. Chúng đòi hỏi ta phải đầu tư nỗ lực của mình trong một thời gian, sau đó lấy quả ngọt của nó để đầu tư vào một nỗ lực lớn hơn, mang lại những thói quen tuyệt vời hơn nữa.
Đây là lý do nhiều người giảm được cân nhưng rồi tăng trở lại. Họ tập trung vào những mục tiêu đơn lẻ trong cuộc sống thay vì xây dựng những thói quen nền tảng. Vì vậy khi năng lượng và tính tự kỷ luật của họ cạn kiệt (và điều đó luôn xảy ra, vì khả năng tự kỷ luật có hạn), họ sẽ trở nên về phiên bản cũ.
Với thói quen, bạn không có điểm cuối duy nhất nào phải đạt được. Mục tiêu duy nhất của thói quen là mục tiêu không bao giờ kết thúc. Nó chỉ là sự lặp lại đơn giản hàng ngày hoặc hàng tuần đến khi kích hoạt được bộ nhớ cơ và các chất hóa học trong não. Khi đó, bạn sẽ thực hiện hành vi mong muốn như được lập trình tự động.
Với mục tiêu, mỗi ngày trôi qua sẽ khiến bạn càng thêm mệt mỏi khi đến phòng tập. Với thói quen, sau một thời gian bạn sẽ thấy việc không đi tập còn khó thực hiện hơn.
Do đó, tốt hơn là đầu tư năng lượng và khả năng tự kỷ luật có hạn của mình vào xây dựng thói quen. Chúng ta vẫn có thể đặt mục tiêu. Đương nhiên tôi vẫn muốn giảm 10kg trước khi mùa hè đến, nhưng đó không phải điều tôi sẽ tập trung vào năm nay.
Thay vào đó, tôi sẽ tìm xem những thói quen nào là nền tảng cho mục tiêu đó, khiến nó trở thành điều tất yếu trong cuộc sống. Ví dụ, tôi có thể ăn uống lành mạnh hơn, đi bộ thường xuyên hơn thay vì đi Grab hoặc xây dựng một kế hoạch luyện tập. Một khi đã tập trung vào những thói quen này, cân nặng tôi sẽ giảm một cách tự nhiên.
Vậy làm thế nào để xây dựng thói quen hiệu quả? Hãy đọc tiếp ở phần sau.
Nguồn: Vietcetera