Năm 2018, vợ chồng tôi đi Nga xem World Cup. Về đến nhà, vợ tôi đăng vài tấm hình với dòng miêu tả ngắn rằng chúng tôi đã rất vui ở Nga.
Và câu bình luận đầu tiên đó là: “Hoá ra chị ủng hộ một đất nước đàn áp người đồng tính hả?”.
Anh bạn ạ, anh cũng lạ thật đấy. Hóa ra việc yêu bóng đá cũng phải có giới hạn, nếu nó diễn ra ở nơi có người bị đàn áp.
Một câu chuyện tương tự khác cũng xảy ra với ba của bạn tôi. Bác đã đứng tuổi và theo đạo Thiên Chúa. Hôm đó bác đăng dòng trạng thái sau trên Facebook: “Chúc mọi người lễ Phục sinh vui vẻ! Chúa phù hộ cho các bạn.”
Và dòng bình luận đầu tiên bác nhận được là: “Dừng ngay việc nhồi nhét tôn giáo của ông vào đầu người khác đi. Chẳng ai muốn nghe nó đâu.”
Vâng thưa các bạn, mạng internet đã đạt đến cảnh giới cuối cùng của nó: Đăng bất cứ cái gì cũng có thể khiến bạn bị chửi. Một cụ ông đáng kính có thể thưởng thức chocolate hình thỏ Phục sinh không? Không thể đâu. Một phụ nữ có thể vừa xem bóng đá, vừa khám phá một nền văn hoá mới không? Còn khuya nhé. Mọi chuyện là như vậy đó.
Đến cả tôi - một người có câu chữ tiếp cận hàng triệu bạn đọc mỗi tháng - cũng chẳng hiểu nổi chuyện này. Tôi đã quen với việc bị phê bình. Nhưng giờ đây, gần như tuần nào tôi cũng bị người ta chửi là phân biệt chủng tộc/phân biệt giới tính//kỳ thị người đồng tính/kẻ lừa đảo vì bất cứ điều gì tôi nói hay làm. Thậm chí tôi từng bị so sánh với Stalin, Hitler, Saddam Hussein hay Richard Simmons.
Mới đây, một đánh giá trên Amazon chê cả quyển sách của tôi phân biệt giới tính, chỉ vì một câu trong đó có cách diễn giải mà họ cho là phân biệt giới tính. Một lần khác, tôi bị một nhà báo ở New Zealand so sánh với người theo chủ nghĩa tân phát xít, chỉ vì tôi là đàn ông da trắng và tựa sách của tôi kêu mọi người “đếch” quan tâm.
Có những lúc tôi bị căng thẳng khi viết vì không biết nên dùng đại từ gì trong những mẩu chuyện hài. Nếu dùng “anh ấy”, tôi sẽ nhận những bình luận giận dữ từ những người cực hữu. Họ kêu tôi ghét đàn ông, và tôi bị đàn bà thao túng. Còn nếu sử dụng “cô ấy”, tôi sẽ được các “justice warriors” (chiến binh đấu tranh cho công bằng xã hội) bảo rằng tôi theo chế độ phụ hệ, rằng tôi phân biệt giới tính, rằng tôi là đàn ông-da trắng-dị tính-đặc quyền, vân vân và mây mây.
Trong vài năm gần đây, tôi đã đăng một số bài viết về cách internet đang tàn phá nền văn hoá của chúng ta theo nhiều cách kỳ cục và bất ngờ. Tôi đã viết về nền kinh tế của sự chú ý, về thời đại của sự phẫn nộ và cách truyền thông trực tuyến thúc đẩy xung đột và chủ nghĩa bộ tộc. Tôi cũng đã viết về việc chủ nghĩa khủng bố, những vụ xả súng trường học và Trump thực ra là sản phẩm của môi trường xã hội hiện nay, chứ không phải nguyên nhân gây ra nó.
Nhưng dường như mọi việc chỉ trở nên tệ hơn theo từng năm. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm điểm đáy của nền văn hoá. Và năm nào tôi cũng mong chúng ta đã đạt đến cảnh giới thấp nhất ấy, để rồi kết cuộc là vẫn chưa tới. Truyền thông trở nên tách biệt và giận dữ hơn. Chính trị trở nên xấu xí hơn. Chất lượng báo chí ngày một đi xuống. Và dân tình trở nên phân cực hơn bao giờ hết trên tất cả các chủ đề.
Có một thực tế đáng buồn rằng, chúng ta đã đạt đến bờ vực mà cách duy nhất để tồn tại trong cơn bão truyền thông hiện nay là chọn một phe và chiến đấu theo nó tới cùng. Đó là nơi mọi sự chú ý đổ dồn. Và nếu bạn không thể thu hút sự chú ý, thì coi như bạn thất bại.
Tôi đã chứng kiến nhiều blogger hay lãnh đạo có ảnh hưởng lớn lần lượt bị cuốn vào những điều vớ vẩn bị chính trị hoá. Một số bị lôi vào những cuộc chiến trái ngược với mong muốn của họ. Số còn lại thì nóng nảy lao vào chiến trường không cần biết đúng sai. Thật đau đớn khi nhìn vào cả hai trường hợp này.
Trong khi đó, tôi đã vỡ mộng với khá nhiều… à không, vỡ mộng với tất cả mọi thứ. Và chắc không chỉ mình tôi như vậy.
Một vài năm trước, tôi từng than thở rằng việc xuất bản qua internet đã trở nên bão hòa, và việc tìm kiếm khán giả mới ngày một khó khăn hơn. Tôi cảm giác người ta đã dồn sự chú ý sang âm thanh và hình ảnh (video). Và dù điều đó đúng, tôi tin rằng một lý do khác là người ta đã quá chán ngán việc đọc tin trên mạng. Cả tôi cũng vậy - giờ tôi chỉ đọc 1/3 lượng tin tôi từng đọc trước kia, nghe một vài podcast và chẳng đọc thêm blog nào nữa.
Thay vào đó, tôi vùi đầu vào đọc sách - ngoại tuyến và ở một mình. Cảm giác ấy thật tuyệt vời. Tôi thường đọc những tựa sách cũ, được viết rất lâu trước khi mớ hỗn độn này bắt đầu. Và chúng viết về những cuộc đấu tranh hay xung đột còn to lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng bây giờ.
Đây thực sự là một thời đại kỳ lạ. Bởi lẽ bằng bất kỳ phép đo lường khách quan nào, thế giới ngày nay tốt đẹp hơn so với bất cứ thời đại nào trong lịch sử. Ấy vậy mà ai cũng cho rằng chúng ta thật bi thảm. Tôi hiểu rằng sự mất kết nối luôn tồn tại ở một mức độ nhất định. Nhưng nhìn vào cách người ta hành xử, bạn sẽ nghĩ Thế chiến III sắp nổ ra đến nơi.
Tôi đã dành phần lớn thời gian cả năm qua suy ngẫm về điều này. Nó không chỉ diễn ra ở nước Mỹ, mà là trên toàn thế giới. Vấn đề không phải là chúng ta bất đồng với nhau nhiều hơn, mà là chúng ta không thể khoan dung hơn với người mình bất đồng ý kiến. Và trong một thế giới mà sự ổn định chính trị - xã hội đòi hỏi mọi người phải tuân theo cái họ bất đồng quan điểm, mọi thứ trở nên thật đáng sợ.
Mọi người hỏi liệu tôi có hy vọng vào tương lai không. Đó dường như là một câu hỏi rất phổ biến hiện nay.
Tôi nghĩ tôi nhìn sự việc dưới một góc độ khác với mọi người. Khi hầu hết chúng ta đang tuyệt vọng tìm kiếm một hình thức hy vọng nào đó giúp họ thoát khỏi mớ hỗn độn này, tôi lại cho rằng chính hy vọng mới là thứ đẩy chúng ta vào đó. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Nguồn: Vietcetera