Tại sao chúng ta ngại lên kế hoạch quản lý tài chính?

Chúng ta đều biết rõ rằng quản lý tài chính là rất cần thiết, vì một cuộc sống thoải mái mà không lo nghĩ. Điều này trở nên dễ dàng hơn với các ứng dụng quản lý chi tiêu.

Chúng ta đều biết rõ rằng quản lý tài chính là rất cần thiết, vì một cuộc sống thoải mái mà không lo nghĩ. Điều này trở nên dễ dàng hơn với các ứng dụng quản lý chi tiêu.

Tuy nhiên, dù cho có được công nghệ tạo điều kiện, tại sao chúng ta vẫn có xu hướng "lười" đưa ra kế hoạch quản lý tài chính?

Money avoidance là gì?

Tiền bạc là nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề. Để không phải trải qua chuyện này, nhiều người đơn giản là chọn không quan tâm nữa.

Đây chính là một dạng của chứng rối loạn tiền bạc (money disorder), cụ thể hơn là money avoidance: tránh né tiền bạc.

Mỗi người sẽ có những dấu hiệu né tránh tiền bạc khác nhau. Một số sẽ ngại thừa nhận các thói quen chi tiêu xấu của mình hoặc từ chối đưa ra kế hoạch tài chính.

Tuy nhiên thì càng lảng tránh, nỗi lo về tiền bạc lại càng gia tăng. Bạn kẹt trong một vòng xoáy không lối thoát của tiền bạc.

Nhà trị liệu tài chính Amanda Clayman đã chia sẻ rằng, người tránh né tiền có xu hướng tạo ra những quy tắc và niềm tin xoay quanh tiền.

Bà ví dụ rằng một số người sẽ có danh sách những việc họ không làm, như là đi tàu hỏa, vì họ nghĩ rằng nó rất tốn kém. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở khi bạn không có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế của mình.

Tại sao chúng ta ngại quản lý chi tiêu?

Vì tiền làm ta căng thẳng

Đây là một lý do phổ biến khiến nhiều người ngại quay lại kiểm tra hóa đơn tiền bạc của chính mình. Khó quá thì bỏ qua, cái gì làm mình khó chịu thì đơn giản cứ coi như nó không tồn tại.

Hành động này được gọi là fight or flight response (phản ứng chiến hay chạy).

Ví dụ, việc tình cờ xem lại lịch sử mua hàng của bản thân sẽ dễ khiến bạn cảm thấy hoang mang về tình hình tài chính. Bạn rơi vào một tình huống hết sức căng thẳng khi não tiết ra cortisol và adrenaline.

Lúc này, bạn chỉ muốn vứt hóa đơn và nỗi lo của mình qua một bên để lấy lại sự thoải mái. Dần dà, để lấy lại cảm giác an tâm, tránh né tiền bạc trở thành thói quen.

Vì tình hình tài chính ảm đạm

Khi đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng, thì đổ ập tới là lạm phát và mùa đông crypto. Một số tài liệu chỉ ra rằng, việc sống trong thời kỳ đại dịch căng thẳng có thể dẫn tới những thói quen chi tiêu không tốt.

Judson Brewer, nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần tại Đại học Brown, đã khuyên rằng đây là lý do chúng ta nên hiểu rõ những thói quen tài chính của mình, để có cách xử trí hiệu quả nhất trong mọi trường hợp.

Vì cảm thấy xấu hổ về tình hình tài chính và thói quen chi tiêu của bản thân

Cảm xúc và cách chúng ta nghĩ về tiền bạc ảnh hưởng rất nhiều đến hành động của bạn, đặc biệt là cảm giác xấu hổ. Nếu bạn nghĩ mình không giỏi trong việc chi tiêu, bạn sẽ thường xuyên so sánh tài sản của mình với người khác, từ đó trở nên dè sẻn hơn cần thiết.

Rất nhiều lời khuyên tài chính cũng thường xoáy vào nỗi đau này khi khuyên chúng ta nên bắt đầu có nhà/xe vào một độ tuổi nhất định. Điều này khiến nhiều người cảm thấy áp lực, khi đến tuổi mà vẫn chưa có gì.

Chúng ta tự phán xét bản thân và áp đặt những suy nghĩ tiêu cực lên cách chi tiêu. Ví dụ, ta cho rằng mượn nợ là một điều đáng hổ thẹn, từ đó bỏ qua những cơ hội đầu tư. Đây chính là cách mà cảm xúc xấu hổ tạo ra hệ quả kinh tế lớn hơn.

Làm sao để thoát khỏi việc này?

Lập ra danh sách các việc bạn có thể làm để quản lý tài chính mà không bị “ngộp"

Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ đôi khi chính là đối mặt với nó. Đây chính là một dạng của liệu pháp tiếp xúc (exposure therapy) mà các nhà tâm lý học vẫn thường sử dụng. Mục tiêu là giúp bạn dần làm quen với nỗi sợ của mình, để nhận ra nó không như mình nghĩ.

Đầu tiên, bạn có thể lập ra một danh sách những việc nhỏ mà bạn có thể làm để làm quen. Hãy tưởng tượng nó theo hình dạng của một kim tự tháp (exposure pyramid), độ khó của các mục tiêu này sẽ tăng theo thời gian.

Hãy bắt đầu với việc xem lại các hóa đơn trong tuần vừa qua. Bước tiếp theo là ghi chú lại những gì mình đã chi tiêu, và đối chiếu nó với tài khoản ngân hàng.

Việc tiếp xúc từ từ tới bước lập ra kế hoạch tài chính sẽ khiến bạn có thời gian làm quen, và bớt đi cảm giác lo lắng hay choáng ngợp.

Điều chỉnh lại cách suy nghĩ về tiền của bạn

Chúng ta dễ có xu hướng chỉ trích bản thân, rằng mình không giỏi trong chuyện tính toán tiền bạc hay đầu tư. Lúc này, tiền bạc trở thành thước đo để đánh giá của con người bạn.

Thay đổi ngôn ngữ tiêu cực và chỉ trích bản thân có thể giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy này.

Ví dụ, khi kiểm tra lại số dư tài khoản, đừng vội đánh giá một cách cảm tính và cho rằng mình đã chi tiêu quá đà. Thay vào đó, hãy tỉnh táo để xem xét lại những khoản chi để đưa ra những nhận định trung lập hơn.

Bạn cũng có thể sử dụng ngôn ngữ tích cực để miêu tả như: “Tôi vẫn còn x triệu dù đã đăng ký học thêm tháng này” thay vì “Tôi chỉ còn mỗi x triệu cho tới cuối tháng.”

Đây là cách mà bạn “dạy" cho hệ thần kinh của mình cách bớt lo lắng trước chi tiêu tiền nong.

Giới hạn thời gian suy nghĩ về tình hình tài chính

Mỗi ngày bạn chỉ nên dành ra từ 10 - 15 phút để xem xét lại tình hình tài chính của mình. Hãy tự tạo ra cam kết với bản thân, thay vì liên tục lo lắng mỗi khi nhận được tin nhắn trừ tiền của ngân hàng.

Kết hợp với danh sách những việc nhỏ bạn cần làm mỗi ngày để xây dựng kế hoạch tài chính, thói quen tránh né tiền bạc rồi cũng sẽ phai mờ.

Có thể thấy, bản chất của những âu lo liên quan tới tiền bạc không hẳn xuất phát từ điều kiện tài chính mà tới từ tâm trí của chúng ta. Vậy nên, nhận ra điều này là bước đầu tiên giúp chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới lành mạnh hơn với chúng.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)