Tin buồn khắp nơi, làm sao để trấn an bạn bè và bản thân?

Khi bạn bè gặp chuyện không vui, ngoài việc kể những chuyện tích cực và động viên họ, ta có thể làm được gì khác?

Thời gian qua, số ca nhiễm Covid tại Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bạn bè hay đồng nghiệp của bạn cũng đang chật vật để vượt qua cơn sóng dữ. Có người stress vì phải ở nhà quá lâu, có người lại không may trở thành F0.

Thế là bạn bốc máy lên, nhắn tin, gọi điện cho họ để hỏi thăm, trợ giúp về mặt tinh thần. Vậy nhưng, trong nhiều trường hợp, bạn không biết làm gì khác ngoài lắng nghe, an ủi và động viên. Vậy ngoài phương pháp lắng nghe truyền thống, bạn có thể làm gì để giúp bạn bè và chính bản thân mình?

Nếu bạn bè cảm thấy bí bách vì đã ở nhà quá lâu

Gọi điện, video call

Khi giao tiếp qua mạng, con người thường cảm thấy được kết nối nhiều hơn nếu nghe được giọng nói của đối phương. Bạn nên chủ động gọi video để trực tiếp tâm sự và hỗ trợ bạn bè. Việc nhìn thấy mặt nhau, nghe giọng nhau có thể phần nào giúp họ vơi bớt cảm giác cô đơn.

Tất nhiên, sẽ có một số người cảm thấy thích nhắn tin hơn, hoặc chưa sẵn sàng để gọi điện. Vì vậy, đừng đột ngột gọi điện cho họ, bạn nên gửi tin nhắn thông báo hoặc dò hỏi tình hình trước.

Tránh thảo luận những thông tin chưa rõ ràng

Khi trao đổi về tình hình bệch dịch, cả hai không nên đi sâu vào những thông tin chưa rõ ràng, gây ra sự hoang mang không cần thiết.

Hiện nay, mạng xã hội tràn ngập các tin giả. Ngay cả tin trên báo chính thống cũng thiếu nhất quán. Đôi lúc, việc cập nhật thông tin từ các nhóm chat của khu chung cư, tổ dân phố lại chính xác và thực tế hơn thông tin trên mạng.

Gợi ý các hoạt động nhóm

Chỉ với một cú click trên Google, ta tìm được hàng trăm bài viết gợi ý hoạt động vui - khỏe - có ích mùa giãn cách, như học kĩ năng mới, thiền, vẽ tranh. Nhưng không phải ai cũng đủ động lực để thử điều mới. Hãy tạo động lực cho cả bản thân và bạn bè bằng cách rủ họ cùng làm một hoạt động, như đọc sách, luyện nói tiếng Anh, đặt ra mục tiêu rõ ràng: đọc hết bao nhiêu trang sách một ngày, nói bao nhiêu chủ đề một tuần. Nếu cả hai cùng chơi thân với một nhóm bạn khác, bạn có thể rủ tất cả mọi người video call với nhau và chơi game.

Hướng dẫn bạn bè học cách quan sát bản thân

Trong trường hợp sức khỏe tinh thần của bạn bè đang có dấu hiệu xuống dốc nhưng ngay cả họ cũng không biết rõ lý do (ăn không đủ chất, thiếu ngủ, thất nghiệp, cô đơn), bạn có thể gợi ý họ ghi chép lại cảm xúc để biết bản thân đang thiếu gì, cần gì.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành - đồng sáng lập đường dây nóng Ngày mai, một trong những cách tự chữa lành hiệu quả là ghi chép lại từng biểu hiện, sự thay đổi của bản thân. Nhờ đó, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khách quan hơn và tìm ra giải pháp để cải thiện bản thân.

Nếu bạn bè và gia đình họ không may nhiễm Covid

Cập nhật tình hình nhưng vẫn giữ không gian riêng

Biết tin bạn bè trở thành F0, ta có thể không "kìm lòng" được mà liên tục hỏi thăm họ. Nhưng có khả năng bạn chỉ là một trong hàng chục người đang gọi điện, nhắn tin hỏi thăm họ mỗi ngày. Giả sử một ngày có 10 người hỏi họ, "Có bị ốm sốt hay bệnh tình trở nặng gì không?", họ đồng thời phải trả lời 10 lần giống nhau cho cùng một câu hỏi. Sự có mặt của chúng ta dễ trở thành nỗi phiền toái không đáng có.

Do vậy, song song với việc hỏi thăm, hãy cho họ không gian riêng, khuyên họ hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử để đầu óc được nghỉ ngơi. Đồng thời bạn vẫn nên nhắc nhở họ về sự hiện diện của mình, "Cần gì thì gọi mình nhé, mình sẽ cố gắng hỗ trợ".

Chủ động đề nghị giúp đỡ

Ngoài hỗ trợ về mặt tinh thần, bạn có thể chủ động hỗ trợ họ về mặt tài chính, lương thực thực phẩm (trong khả năng cho phép). Các câu hỏi như "Mình giúp gì được cho bạn không?", "Có gì thì gọi mình nhé" không phải luôn hiệu quả. Một số người e ngại sự hỗ trợ của người khác vì không thích cảm giác "mắc nợ" hay phụ thuộc vào ai đó.

Để giảm bớt cảm giác ngượng ngùng của đối phương, bạn có thể bong đùa một chút, "Tôi không làm miễn phí đâu, bao giờ hết dịch phải dắt tôi đi ăn đó".

Đối với những mối quan hệ thân thiết, hãy thử nói như thể bạn đã đi trước một bước, ví dụ "Tao mới đặt đồ ăn qua Grab nè, sẵn tao book qua cho mày luôn đó, lát ra ngoài nhận hàng nhé" (trong trường hợp đồ ăn vẫn được phép giao đến khu cách ly).

Lắng nghe thấu cảm

Sức khỏe tinh thần của người F0 có thể sẽ không ổn định với việc họ liên tục nghĩ đến cảm xúc tiêu cực là khó tránh khỏi.

Khi tâm sự với bạn bè F0, một số người thường động viên bằng cách so sánh nỗi khổ của bạn bè với người khác, "Ngoài kia có người bị nặng lắm mà phải sống một mình, nhìn vào mặt tích cực thì cũng may là mình chỉ sốt nhẹ, lại có gia đình chăm". Mặc dù câu nói trên xuất phát từ ý tốt, những dễ bị phản tác dụng vì vô tình tạo cảm giác bị chối bỏ cảm xúc.

Đôi khi bạn không nhất thiết phải đưa ra lời khuyên, mà chỉ cần thực hành kỹ năng lắng nghe thấu cảm - tập trung vào cảm xúc của người nói.

Điều quan trọng nhất khi thực hành kỹ năng lắng nghe thấu cảm là không phán xét, cho dù góp ý của bạn nghe rất hợp lý. Hãy tập trung lắng nghe, hỏi những câu giúp họ nhìn nhận rõ cảm xúc, "Tâm trạng dạo gần đây có thất thường không?", "Bạn đã làm gì để cải thiện sức khỏe?". Bạn chỉ nên khuyên khi họ chủ động hỏi xin lời khuyên từ bạn.

Nếu người thân của bạn bè không may qua đời vì dịch bệnh

Đây là tình huống xấu nhất và chắc chắn không ai muốn điều đó xảy ra. Do tình hình giãn cách kéo dài, bạn không thể chạy đến chỗ bạn bè và nắm tay động viên họ. Ngoài thực hiện 7 cách được gợi ý phía trên, bạn có thể thử thêm 2 cách sau:

Đừng chỉ nói về điều tích cực

Phản ứng tự nhiên nhất của chúng ta khi nghe chuyện buồn là né tránh nỗi đau, dùng những câu chuyện tích cực để xoa dịu vết thương:

  • Ông/bà lúc nào cũng dõi theo và phù hộ cho mình mà
  • Mình cần mạnh mẽ lên, ông/bà không muốn nhìn thấy mình buồn vậy đâu.
  • Bây giờ mình vẫn phải cố sống vì bản thân, vì những người đang thương yêu mình.
  • Dù thế nào thì vẫn còn bạn bè ở bên cạnh.

Trong lúc cảm xúc của họ chạm đáy, có thể họ sẽ chỉ muốn khóc và kể lể không ngừng về nỗi đau, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ. Một lần nữa, yên lặng lắng nghe có lẽ là một trong những sự động viên lớn nhất.

Giúp họ hiểu rằng họ được phép khóc thoải mái, không cần phải gồng mình, cố ép bản thân mạnh mẽ. Nếu đối phương muốn dừng nói chuyện, hãy nhắn họ là bạn sẽ gọi lại khi họ cảm thấy thoải mái hơn.

Kết nối với chuyên gia tư vấn tâm lý

Không dễ gì để vượt qua nỗi đau mất mát người thân. Cho dù bạn nghĩ rằng mình có thể giúp đỡ bạn bè, trở thành một "hậu phương" vững chắc thì sự trợ giúp của bạn cũng có giới hạn.

Nếu trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất của họ có dấu hiệu xuống dốc, ngoài việc nhờ đến sự trợ giúp từ ba me, anh chị của họ, hãy thử gợi ý họ tìm đến các dịch vụ tham vấn tâm lý online. Biết đâu, việc chia sẻ và mở lòng với người lạ lại dễ dàng hơn nói chuyện với người thân quen.

Hỗ trợ cho bạn nhưng đừng quên "sơ cứu" bản thân

Chấp nhận là bạn không có lỗi

Chúng ta bày cho bạn bè nhiều cách giải quyết khác nhau, kể chuyện hài cho họ, vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng, khuyên họ thử học thứ này thứ kia, nhưng sau cùng, có thể không cách nào phát huy tác dụng.

Họ than thở rằng đã thử học vẽ, đã thử thiền như bạn gợi ý, nhưng tâm trạng vẫn không khá lên chút nào. Đột nhiên, bạn nghĩ mình đã làm sai.

Trong giai đoạn khắc nghiệt, việc chăm sóc đầy đủ cho bản thân đã là một vấn đề. Hãy hiểu rằng bạn đã làm những gì có thể, đừng cảm thấy tội lỗi vì đã không giúp gì được cho họ.

Buồn thì vẫn phải ăn, phải ngủ

Đã bao nhiêu lần vì quá buồn chuyện vì đó, bạn mất cảm giác thèm ăn và thấy mọi thứ đều khó nuốt trôi, bạn bỏ bữa và chờ đến tối muộn mới ăn gì đó lót bụng?

Thời điểm cách ly là thời điểm bạn cần giữ cho bản thân mình được khỏe mạnh nhất, vì việc tiếp cận thuốc men, các dịch vụ y tế sẽ gặp nhiều hạn chế. Cố gắng đừng để sức đề kháng tuột dốc, ít nhất bạn nên ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Bảo vệ bản thân trước bạn mới đủ sức bảo vệ bạn bè, người thân.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)