1. Thực hành tự nhận thức
Giống hầu hết những thứ thuộc về cảm xúc, bạn không thể tiến bộ cho đến khi bạn nhận diện được chúng. Khi bạn thiếu khả năng tự nhận thức, cố gắng quản lý cảm xúc của mình giống như ngồi trên một con thuyền không buồm giữa đại dương xúc cảm. Bạn cứ thế trôi vô định theo dòng chảy mặc cho mọi thứ đang xảy ra. Bạn không biết mình sẽ đi đâu hoặc làm cách nào để đến nơi. Tất cả những gì bạn có thể làm là kêu gào và cầu cứu.
Tự nhận thức bao gồm việc hiểu bản thân và hành vi của mình ở ba cấp độ: 1. Những gì bạn đang làm, 2. Cảm nhận của bạn về điều đó và 3. Phần khó nhất, tìm ra những gì bạn chưa biết về bản thân.
Biết mình đang làm gì
Bạn sẽ nghĩ điều này khá đơn giản và dễ hiểu, nhưng sự thật là trong thế kỷ 21, hầu hết chúng ta thậm chí còn không biết mình đang làm gì. Chúng ta làm mọi thứ dường như trong vô thức – kiểm tra email, nhắn tin cho cạ cứng, lướt Instagram, xem Youtube, lại kiểm tra email và nhắn tin cho cạ cứng, v.v. Hãy dọn dẹp những tác nhân gây sao nhãng khỏi cuộc sống – chẳng hạn như thỉnh thoảng tắt điện thoại và tương tác với thế giới xung quanh là bước khởi đầu tốt đẹp để tự nhận thức. Một không gian tĩnh mịch dù có vẻ khá đáng sợ nhưng lại cần thiết cho sức khỏe tinh thần.
Các hình thức khiến ta phân tâm còn có công việc, TV, chất gây nghiện/rượu, trò chơi điện tử, những cuộc khẩu chiến trên mạng, v.v. Bạn cần lên lịch để tách chúng khỏi mình. Thực hiện lộ trình đi làm buổi sáng mà không nghe nhạc hoặc podcast. Thay vào đó, hãy nghĩ về cuộc sống và cảm xúc của mình. Dành 10 phút vào buổi sáng để thiền. Xóa mạng xã hội khỏi điện thoại một tuần.
Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những thay đổi mà chúng mang lại.
Chúng ta sử dụng những thứ gây sao nhãng để né tránh nhiều cảm xúc không thoải mái. Thế nên, loại bỏ chúng và tập trung vào cảm giác của bạn đôi khi có thể làm lộ ra một số mặt tối đáng sợ. Nhưng loại bỏ những phiền nhiễu này lại rất quan trọng, vì nó đưa chúng ta lên cấp độ tiếp theo.
Biết mình đang cảm thấy như thế nào
Thực sự chú ý đến cảm giác của mình thoạt đầu có thể khiến bạn phát hoảng. Bạn có thể nhận ra thực sự mình rất hay buồn bã hoặc là một tên tồi cáu bẩn. Bạn có thể nhận thấy rất nhiều lo âu đang diễn ra.
Nghiện điện thoại chỉ là một cách làm tê liệt nhằm đánh lạc hướng bản thân khỏi lo lắng triền miên. Tại thời điểm này, điều quan trọng là không phán xét những cảm xúc nảy sinh. Rất dễ buộc miệng “Lại lo âu! Tôi bị cái quỷ gì thế nhỉ!”. Nhưng làm như thế chỉ khiến nó tệ hơn. Dù cảm xúc có thế nào thì đều có lý do chính đáng để nó ở đó, ngay cả khi bạn không nhớ được lý do này. Vì vậy, đừng quá khắt khe với bản thân.
Biết những thứ ngớ ngẩn về cảm xúc của chính mình
Một khi nhận ra những thứ khó chịu mà mình đang cảm thấy, bạn sẽ bắt đầu để ý đến những điều điên rồ trong mình. Ví dụ, tôi thấy rất khó chịu khi bị chen ngang. Tôi sẽ giãy nảy nếu đang cố gắng nói mà người kia lại bị phân tâm. Tôi để bụng đấy.
Có khi người đó đơn giản chỉ thiếu lịch sự, nhưng đôi lúc kết cục tồi tệ xảy ra, tôi trông như tên thần kinh do không thể chịu nổi hai giây mà mọi lời tôi nói không được tôn trọng. Đó là một vài chuyện dở hơi về cảm xúc của tôi. Và chỉ khi nhận thức được điều đó, tôi mới có thể phản ứng khác đi được. Chỉ nhận thức về bản thân thôi thì chưa đủ. Một người cũng phải có khả năng quản lý cảm xúc của họ.
2. Tự điều hướng cảm xúc
Những người tin rằng cảm xúc là tất cả của cuộc sống thường tìm cách “kiểm soát” nó. Thực ra thì bạn không thể, bạn chỉ có thể phản ứng với chúng thôi. Cảm xúc chỉ đơn thuần là những tín hiệu báo cho chúng ta biết phải chú ý đến điều gì. Sau đó, chúng ta có thể quyết định xem “điều đó” có quan trọng hay không và chọn cách hành động tốt nhất để giải quyết nó – hoặc không.
Tức giận có thể là một cảm xúc hủy hoại nếu bạn điều hướng sai lệch và làm tổn thương người khác hoặc chính bạn trong quá trình này. Nhưng nó có thể là một cảm xúc tốt nếu bạn dùng để lên án những bất công và/hoặc bảo vệ bản thân hay người khác.
Niềm vui có thể là một cảm xúc tuyệt vời khi được chia sẻ với những người bạn yêu thương khi những điều tốt đẹp xảy ra. Nhưng nó có thể là một cảm xúc kinh hoàng nếu nó bắt nguồn từ việc làm tổn thương người khác.
Đó chính là hành động quản lý cảm xúc: nhận biết mình đang cảm thấy ra sao, quyết định xem đó có phải là cảm xúc phù hợp với tình huống không và từ đó hành động phù hợp. Cái chính là bạn có thể điều hướng cảm xúc của mình thành cái mà các nhà tâm lý học gọi là “hành vi hướng đến mục tiêu” – tôi thì hay gọi đó là “tự chấn chỉnh lại mình”.
Còn tiếp…
Nguồn: Vietcetera