Quan niệm phổ biến của chúng ta về làm giàu là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Điều này không sai, nhưng nó bỏ qua một yếu tố quan trọng khác là thói quen tiêu tiền.
Nói cách khác, chúng ta thường tập trung vào kiếm tiền nhưng lại ít để ý thói quen chi tiêu, đặc biệt là những khoản chi nhỏ. Về lâu dài, chúng có thể ảnh hưởng lớn tới tài chính cá nhân của chúng ta.
Latte factor là gì?
Đây là những khoản chi nhỏ, chúng ta tiêu thường xuyên mà không để ý tới. Nhưng nếu cộng dồn lại theo thời gian, nó trở thành khoản tiền lớn mà ta đáng nhẽ có thể tiết kiệm hay đầu tư. Trên thực tế, đa số các khoản chi này không thuộc hàng thiết yếu và có thể loại trừ.
Thuật ngữ này được tác giả David Bach phát minh dựa trên tiền cà phê (latte) hàng ngày. Dân công sở thường có thói quen uống cà phê mỗi sáng để tỉnh táo làm việc. Giá một cốc cà phê thường khá nhỏ so với tiền lương hàng tháng, nhưng khi cộng dồn lại sau 1 tháng có thể khiến bạn giật mình.
Một người bạn của tôi từng dùng app quản lý mọi chi tiêu trong vòng một tháng, và bạn đã sốc khi nhận ra số tiền mình tiêu vào trà sữa. Theo đó, mỗi ngày bạn uống 1 cốc trà sữa 60 nghìn đồng, nhân lên 30 ngày là 1 triệu 8 - tương đương ⅕ mức lương thực tập của bạn khi đó.
Vì sao ta không để ý tới latte factor?
Não bộ xử lý số lớn và số nhỏ khác nhau
Theo một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh), não xử lý những con số nhỏ ở bán cầu phải, còn số lớn ở bán cầu trái. Vì vậy mà có sự khác biệt trong cách chúng ta nhận thức về từng loại mệnh giá trong chi tiêu hàng ngày.
Giả sử thu nhập của bạn là 12 triệu/tháng, và mỗi ngày bạn dành 50 nghìn mua cà phê. Khi đó, con số 50 nghìn sẽ được xử lý ở não phải, còn số 12 triệu ở não trái - gần như tách biệt với nhau và ít có sự so sánh. Do đó nếu không lên ngân sách cụ thể, bạn khó mà nhận ra tiền cà phê hàng ngày “ngốn” bao nhiêu phần trăm tiền lương hàng tháng.
Latte factor mang lại dopamine ăn liền
Giống như các quyết định mua sắm khác, dopamine được tiết ra mỗi lần ta chi các khoản nhỏ này. Nó khiến ta cảm thấy tốt hơn vì kiếm được tiền và tiêu vào những gì mình thích. Bên cạnh đó, cà phê và trà sữa còn nạp thêm đường hoặc caffeine cho não để sản sinh endorphin - hormone được mệnh danh là “thuốc phiện nội sinh” khiến ta thấy hưng phấn hơn.
Não trở nên “nhờn” với tác nhân tích cực
Hiệu ứng thích nghi khoái lạc (hedonic adaptation) là quá trình não bộ thích nghi với các tác nhân tích cực hay tiêu cực, và dần phai nhạt cảm xúc với chúng. Sau một thời gian, bạn sẽ không còn thấy hạnh phúc với điều mình có. Hệ quả là bạn phải đi tìm tác nhân mới, hoặc tăng liều lượng tác nhân cũ để vui vẻ hơn.
Chẳng hạn ban đầu bạn chỉ uống 1 cốc cà phê vào sáng thứ hai để tỉnh táo, hứng khởi hơn cho một tuần mới. Nhưng dần dần bạn thấy 1 cốc/tuần không còn “đủ đô”. Bạn quyết định tăng lên 2 cốc/tuần, rồi cuối cùng là mỗi ngày 1 cốc mới có tâm trạng làm việc. Tiền cà phê trở thành khoản chi hiển nhiên hàng ngày, dù thực tế nó vốn không phải hàng thiết yếu.
Tiền còn chui qua các “lỗ hổng” nào khác?
Theo nhà tư vấn tài chính Lama Farran, ngoài tiền cà phê chúng ta còn có những lỗ hổng chi tiêu “nhỏ mà có võ” khác trong cuộc sống, chẳng hạn:
Tiền ăn ngoài
Theo một thống kê của Nielsen, 48% người Việt ăn đồ ăn chế biến ở ngoài ít nhất một lần trong tuần. 16% ăn ngoài hàng ngày và tới 56% ăn sáng ở ngoài thay vì ở nhà, chủ yếu tập trung ở nhóm người trẻ sống một mình. Điều này dễ hiểu khi khá nhiều người thiếu cả thời gian và không gian để có thể nấu nướng thường xuyên.
Tương tự tiền cà phê, khi nhìn vào từng khoản chi ăn uống sẽ thấy chúng khá nhỏ. Nhưng khi cộng dồn lại sau một tuần hoặc một tháng, bạn sẽ thấy rõ “sức nặng” của nó.
Tiền mua sách
Đọc sách là sở thích rất lành mạnh. Nhưng nếu bạn đọc sách thường xuyên, số tiền bạn đổ vào sách có thể ngốn một lượng khá lớn trong tổng thu nhập của bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có xu hướng muốn đọc sách mới ngay khi vừa ra mắt, thay vì chờ đợi một thời gian.
Các tiện ích hàng tháng
Thực tế khá nhiều người đăng ký Netflix hoặc truyền hình cáp nhưng không xem thường xuyên. Mỗi gói truyền hình cáp thường có khoảng 100 kênh, và chúng ta khó mà xem hết khi chỉ có vài ba tiếng nghỉ ngơi sau giờ đi học/đi làm hàng ngày.
Điều tương tự cũng xảy ra ở các gói cước điện thoại hoặc dịch vụ ngân hàng. Với sự tiện lợi của các app nghe gọi và nhắn tin, chúng ta dùng chúng nhiều hơn là thuê bao bình thường. Vì vậy nếu không để ý, bạn sẽ khó nhận ra mình đang trả tiền cước điện thoại lớn hơn nhu cầu thực tế.
Nên làm gì để kiểm soát latte factor?
Chúng ta không cần loại bỏ hoàn toàn latte factor khỏi cuộc sống. Trên thực tế, chúng là những niềm vui nhỏ ta có thể dễ dàng kiếm được mà không mất nhiều thời gian và công sức.
Tuy nhiên, ta vẫn cần kiểm soát chúng để xây dựng thói quen chi tiêu lành mạnh, từ đó tăng khả năng tiết kiệm và đầu tư. Để kiểm soát latte factor của bản thân, bạn có thể tham khảo 3 bước sau:
Bước 1: Tìm ra latte factor của bản thân & xác định nguyên nhân gốc rễ
Bản chất của latte factor nằm ở yếu tố tâm lý. Vì vậy để kiểm soát được nó, chúng ta cần nắm được động lực thúc đẩy bản thân chi tiêu những khoản này.
Ví dụ nếu latte factor của bạn là cà phê, bạn cần nhìn nhận xem bạn uống vì thích, vì buồn chán hay vì muốn tỉnh táo làm việc. Nếu bạn hay ăn ngoài nhà hàng, hãy xác định lý do là vì tiện lợi, xả stress, ngại nấu hay vì muốn gặp gỡ bạn bè.
Bước 2: Tìm cách kiểm soát nó, hoặc tìm các giải pháp thay thế
Với hầu hết các latte factor, chúng ta đều có phương án thay thế miễn phí hoặc ít tiền hơn. Chẳng hạn với cà phê, bạn có thể cân nhắc các giải pháp sau:
- Nếu bạn uống vì cần caffeine: Thay thế bằng cách tự mua cà phê gói/phin về pha, hoặc dùng máy pha cà phê ở công ty.
- Nếu bạn uống vì buồn chán: Tìm các hoạt động khác để đỡ buồn chán hơn như tập thể dục hay trò chuyện với đồng nghiệp.
- Nếu bạn uống vì thích: Giảm tần suất uống xuống 1-2 lần/tuần; biến cà phê thành “phần thưởng” khi đạt thành tựu nào đó (ví dụ hoàn thành KPI tuần).
Tương tự, nếu bạn ăn ngoài vì tiện lợi, bạn nên cân nhắc giảm tần suất ăn ngoài và tự nấu ăn thường xuyên hơn (trừ trường hợp bất khả kháng như nhà không có bếp). Còn nếu đi ăn là cái “cớ” để tụ họp bạn bè, có thể thay bằng mua đồ ăn về cùng nấu ở nhà một người. Cách này vừa tiết kiệm, vừa mang lại thời gian chất lượng cho các bạn.
Với những người mê sách, thư viện địa phương và các hội nhóm trao đổi sách là cách lý tưởng giúp bạn tiết kiệm chi phí hạng mục này. Bên cạnh đó, nếu không quá quan trọng việc đọc sách mới ra, bạn có thể chờ một thời gian cho giá sách “giảm nhiệt” rồi mua.
Bước 3: Kiểm tra toàn bộ các tiện ích đang sử dụng
Bạn nên theo dõi tần suất mình sử dụng các dịch vụ này. Nếu bạn đăng ký Netflix nhưng không xem thường xuyên, nên cân nhắc dừng lại. Tương tự với truyền hình cáp, nếu không xem hết các kênh trong gói, bạn nên đổi sang gói khác ít kênh hơn hoặc truy cập dịch vụ video-on-demand của đài truyền hình. Bạn cũng nên kiểm tra kỹ gói cước điện thoại, data và dịch vụ ngân hàng điện tử đang dùng để phát hiện và “bịt” mọi lỗ hổng chi tiêu.
Nguồn: Vietcetera