Có bao giờ bạn nghe câu nói “Đừng so sánh bản thân với người khác” hay tự hỏi “Đến bao giờ thì mình mới thôi so sánh với người khác?". Vốn là bản năng của con người, việc so sánh với người khác khó có thể bỏ và cũng không nên bỏ.
Vậy có cách nào để so sánh tốt hơn?
Thuyết so sánh xã hội là gì?
Thuyết so sánh xã hội (Social comparison theory) được đề xuất bởi nhà tâm lí xã hội học Leon Festinger vào năm 1954. Để tự đánh giá bản thân, con người so sánh khả năng, ý kiến, giá trị, thái độ, địa vị, tài sản, vẻ bề ngoài,... của mình với một hoặc một nhóm người.
Có hai trường hợp so sánh xã hội được áp dụng. Trước hết là so sánh bản thân với một tiêu chuẩn khách quan, phổ biến. Giả dụ, để đánh giá năng suất lao động của bản thân, chúng ta sẽ so sánh với trung bình cộng năng suất của những đồng nghiệp cùng vị trí trong công ty. Từ đó, ta rút ra kết luận là mình đang ở đâu.
Tuy nhiên, khi thiếu đi những tiêu chuẩn khách quan, chúng ta có xu hướng so sánh mình với những người xung quanh, dựa trên những điểm tương đồng như giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm. Ví dụ, chúng ta hay so sánh mình với bạn học cũ sau mỗi dịp họp lớp.
So sánh xã hội được chia làm hai loại là so sánh trên (upward social comparion) và so sánh dưới (downward social comparison).
So sánh trên (Upward social comparison )
So sánh trên là quá trình bạn đánh giá bản thân trước một người mà bạn thấy hơn mình trong một khía cạnh nhất định. Lối so sánh này thường dẫn tới nỗ lực tự phát huy bản thân qua việc học hỏi, tìm kiếm thông tin, bài học, kinh nghiệm từ những người hơn ta.
Trong sự nghiệp, chúng ta thường áp dụng so sánh trên để thúc đẩy bản thân nỗ lực hơn. Chẳng hạn, ta so sánh mình với những người làm có thâm niên hơn, thành thạo hơn trong cùng lĩnh vực mình theo đuổi.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều người rơi vào cái bẫy position bias (tạm dịch: thiên kiến vị trí). 'Thiên kiến vị trí' mô tả khuynh hướng so sánh bản thân với những người ở "nhóm trên" nhưng lại bỏ qua những người ở "nhóm dưới".
Một ví dụ thường thấy của việc này là khi một người so sánh bản thân với những người có cuộc sống sung túc, thú vị và thành công hơn trên mạng xã hội. Từ đó, họ có cảm giác bất an và đố kỵ.
So sánh dưới (Downward social comparison)
Trái ngược với so sánh trên, so sánh dưới là quá trình cá nhân đánh giá bản thân với một người kém hơn họ ở mặt nào đó. Một số giả thuyết cho rằng khi có sự đe dọa về mặt tâm lý (psychological threat), con người có xu hướng so sánh dưới. Bởi vì, so sánh dưới có ảnh hưởng tích cực lên lòng tự trọng, cảm xúc và tinh thần.
Một ví dụ nhỏ là khi chúng ta có nhận được kết quả không tốt trong bài thi, so sánh với những bạn có kết quả kém hơn sẽ dễ chịu hơn phần nào. Hay đôi khi bạn có thể cảm thấy tận thế là khi một mình bạn rớt môn nhưng niềm vui là khi cả lớp bạn đều rớt.
Cũng tương tự như so sánh trên, quá "chìm đắm" vào việc so sánh dưới cũng không tốt cho bạn. Các nghiên cứu sau này đưa ra giả thuyết rằng, so sánh dưới giúp tăng lòng tự tôn hơn là cải thiện bản thân. Ví dụ, so sánh điểm số của mình với những người kém hơn có tác dụng an ủi tạm thời, nhưng về lâu dài có thể lấy mất động lực để bạn cố gắng.
Kết
Nếu để mắt đến một chút về những suy nghĩ của chúng ta hằng ngày, có thể bạn sẽ thấy được mình đã ít nhiều so sánh bản thân với người khác. Dù là so sánh trên hay so sánh dưới, chúng ta đều dựa vào đó để lấp đầy khoảng bất định về bản thân.
Cả hai kiểu so sánh đều tồn tại mặt tốt và xấu của nó. Điều chúng ta có thể làm tốt hơn là xác định, suy ngẫm và đánh giá lại những nhận định của bản thân, từ đó định vị mình tốt hơn trong xã hội.
Nguồn: Vietcetera