Trong thế giới của các tỷ phú, tài phiệt giàu có và quyền lực nhất thế giới, mấy chữ "tình bạn chân thành" dường như thật hiếm có, đừng nói là thứ tình bạn đã trải qua bao thăng trầm và biến động dài gần 3 thập kỷ. Ấy vậy mà, tỷ phú Bill Gates cùng với Warren Buffett đã có được điều tưởng như không thể ấy.
Bill Gates từng thừa nhận, khi ở cạnh Buffett, cảm giác của ông cứ như "Một đứa trẻ trong cửa hàng kẹo". Tất lẽ dĩ ngẫu, chỉ sự chân thành, gắn bó và hợp tính là chưa đủ để khiến một vị tỷ phú đạo mạo được hàng triệu người kính trọng thu mình lại thành một đứa trẻ như thế, hẳn phải có gì đó hơn nữa.
Nhưng đấy không phải bí mật gì sâu xa. Đồng sáng lập của người khổng lồ công nghệ Microsoft từng thừa nhận trong nhiều cuộc phỏng vấn rằng ông đã học được rất nhiều từ "ông bạn già" Warren Buffett. Sự thông thái của Buffett cứ như một cái giếng không đáy khiến Gates luôn hào hứng và tò mò với tâm thế của một đứa trẻ.
Thật vậy, trí khôn của "nhà tiên tri xứ Omaha" đã có tác động sâu sắc đến cuộc đời Gates đến mức ông trở thành một người tốt hơn, thành công hơn. Trong số những bài học quý giá mà Gates học được, ông tiết lộ điều quan trọng nhất có lẽ chính là kỹ năng trân trọng và bảo vệ tài sản quý giá nhất của con người - thời gian.
"Mỗi người chỉ có 24 giờ một ngày. Warren hiểu sâu sắc điều đó. Ông ấy không để thời gian biểu của mình chất đống những cuộc họp vô dụng".
Đối với các tỷ phú, hiệu suất có lẽ là một thước đo quan trọng hàng đầu của việc sử dụng thời gian một cách thành công. Tuy nhiên, không cần là tỷ phú chúng ta mới cần kỹ năng đó.
Dù việc tốn thời gian cho những cuộc họp vô nghĩa hay các bản báo cáo dài lê thê là một hiểm họa đối với quỹ thời gian "vàng" của mỗi người, nhưng có không ít "kẻ thù giấu mặt" khác cũng đang âm thầm ăn cắp gia sản tối quan trọng này mà chúng ta không để ý, chẳng hạn như:
- Những email vô nghĩa trong hòm thư
- Phục vụ cho ưu tiên của người khác/chạy theo làm hài lòng người khác
- Thông báo rác của điện thoại
- Lướt mạng xã hội
- Tính trì hoãn, nước đến chân mới nhảy
- Những công việc bận rộn nhưng không thực sự tạo ra hiệu quả
Điểm khác biệt của những người thành công là họ biết chính xác điều ưu tiên cần làm mỗi khi bắt đầu một ngày mới. Trong khi nhiều người cho rằng mấu chốt là ở việc quản lý thời gian, trên thực tế, theo Gates và Buffett, điều quan trọng hơn cả là quản lý chính bản thân mình. Hai vị tỷ phú đưa ra 4 bí quyết mà mỗi chúng ta đều có thể làm để trở thành bậc thầy tự quản.
1. Nói "Không" với hầu hết mọi thứ
Guồng quay của xã hội nghiện công việc, nghiện cống hiến sống và chết với châm ngôn "Làm, làm nữa, làm mãi!". Nếu bạn không chịu nhận một công việc ngoài giờ làm, một email công việc vào giờ nghỉ, thì bạn là kẻ lười biếng theo quan điểm của đồng nghiệp hay cấp trên.
Áp lực này khiến những người tham vọng càng trở nên tham công tiếc việc, phần để chứng tỏ bản thân, phần để cố gắng nắm quyền kiểm soát.
Vấn đề là, như Buffett đã đúc rút: "Khác biệt giữa người thành công và người cực kỳ thành công đó là người cực kỳ thành công nói Không với gần như mọi thứ".
Thoạt nghe, ý tưởng này nghe thật nghịch lý. Tuy nhiên, lời khuyên này không hề ám chỉ việc bạn nên ích kỷ hay "án binh bất động" trong mọi tình huống, mà trọng điểm là hãy biết đầu tư nguồn lực của mình một cách hợp lý. Là nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, có lẽ Buffett thấm nhuần điều này hơn cả.
Nguồn lực của mỗi người là có hạn. Không chỉ thời gian, ngay cả sức lực, tình cảm, tâm trí... của bạn cũng giống như những đồng tiền quý giá. Nếu không thể tìm thấy "hồng tâm" - khát khao và những giá trị bạn quan tâm nhất, thì người ta sẽ chỉ vung những đồng tiền đó khắp nơi phục vụ nhu cầu của người khác.
Bản thân chữ "Không" là một từ đầy quyền lực, và nó có khả năng vạch ra ranh giới cho ưu tiên của chúng ta - điều này dẫn ta đến bí quyết thứ 2.
2. Tập trung vào những thứ mang lại giá trị cho bản thân
Khách quan mà nói, việc vạch ra ranh giới rõ ràng để phân chia các ưu tiên vào 2 mục Có và Không cho thời gian biểu là một kỹ năng ai cũng có thể thành thục. Bạn cần học cách từ chối những cơ hội không phục vụ cho mục đích, giá trị của bạn hay tổ chức.
Nói cách khác, hãy biết vạch ra ranh giới cho những nhu cầu của bản thân và nhu cầu của người khác, hiểu rằng mình nên tập trung phát triển, đầu tư cho bản thân mình trước khi cố gắng quản việc thiên hạ.
3. Biết mượn sức đồng minh
Gates và Buffett trở thành những lãnh đạo tài ba không phải vì họ tự làm tất cả mọi thứ. Họ kiệt xuất và đứng đầu vì biết đặt niềm tin đúng chỗ và sử dụng sức mạnh của tập thể. Đây là một kỹ năng tối quan trọng.
Với những nhà quản lý, việc biết tin tưởng và giao phó cho các đồng nghiệp, đồng minh sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Sức mạnh của tập thể không phải một phép tính cộng, mà là phép tính nhân và trong nhiều trường hợp là phép lũy thừa. Chưa kể, việc tin tưởng, giao phó sẽ đem lại những giá trị gắn kết mà một cá nhân không thể tự làm được.
4. Tìm kiếm trạng thái dòng chảy (flow)
Nếu đã tìm hiểu về làm việc hiệu suất cao, có thể bạn đã nghe đến khái niệm tâm trí rơi vào trạng thái dòng chảy - khi vài giờ làm việc tập trung cảm giác như vài phút. Nói nôm na, "dòng chảy" là trạng thái bạn hoàn toàn tập trung vào một mục tiêu và không để bất kỳ ngoại vật nào xao động.
Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, người nghĩ ra khái niệm trên và phương pháp thực hành nó, gợi ý rằng chúng ta có thể đạt được hiệu suất tối đa khi tự thưởng bản thân mình với niềm vui và mục đích.
Tất nhiên, sự tập trung là một kỹ năng cần nhiều luyện tập và không thể ngày một ngày hai thành thục.
Nguồn: Cafef