Danh ca Khánh Ly, Ngọc Lan, Thanh Lan... thời xuân sắc hiện lên sống động qua nét vẽ họa sĩ Lê Sa Long.
Khánh Ly thời đôi mươi bên cố nhạc Trịnh Công Sơn. Góc phải tranh là hình ảnh cả hai biểu diễn năm 1967 ở Quán Văn - quán cà phê sau lưng Đại học Văn khoa Sài Gòn. Họa sĩ nói anh có niềm đam mê lớn với nhạc Trịnh, đặc biệt qua tiếng hát Khánh Ly. Anh đặt tên tranh là "Người con gái Việt Nam da vàng" (tựa đề một ca khúc nhạc Trịnh), vẽ bằng pastel (phấn tiên).
Họa sĩ Lê Sa Long vẽ hơn 60 tác phẩm chân dung văn nghệ sĩ. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, từng đoạt giải nhất "Chân dung ký họa màu nước" năm 1999 do Hội Mỹ thuật TP HCM đồng tổ chức. Năm 2018, anh đoạt giải nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TP HCM tổ chức. Hiện anh là giảng viên khoa Đồ họa, Đại học Mở TP HCM.
Anh vẽ bức "Bên đời hiu quạnh", lấy cảm hứng từ cuộc hạnh ngộ của Khánh Ly với Trịnh Công Sơn tại Canada năm 1988 - lần đầu sau 13 năm bà sang nước ngoài định cư.
Cố danh ca Ngọc Lan với đôi mắt u uẩn và mái tóc xoăn đặc trưng, được vẽ bằng phấn tiên. Đầu thập niên 1990, cô là một trong những giọng ca đình đám nhất ở hải ngoại bởi giọng hát trữ tình, nhan sắc khả ái. Có lần, khi ca sĩ lưu diễn ở Melbourne, Australia, hơn 1.500 khán giả phải đứng để xem Ngọc Lan trình diễn, hơn 300 người ra về vì không còn vé.
Với tác giả, vẽ chân dung nghệ sĩ khó nhất là đôi mắt. Tranh dù đẹp mấy nhưng đôi mắt vô hồn, thiếu sống động cũng phải vẽ lại.
Danh ca Thanh Lan - thần tượng một thời của giới trẻ Sài Gòn thập niên 1970. Giai đoạn này, chị nổi tiếng trên sóng phát thanh lẫn truyền hình bởi giọng hát ngọt ngào, nhẹ nhàng, gương mặt thanh tú với đôi mắt đen, chiếc cằm chẻ, nốt ruồi duyên ở khóe môi...
Họa sĩ vẽ tranh tưởng nhớ danh ca Thái Thanh khi bà qua đời hồi tháng 3 tại California, Mỹ.
Khi vẽ, tác giả tập trung vào những chi tiết nhỏ nhưng làm nên đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn, Khánh Ly là đôi mắt hững hờ, Thái Thanh có đôi môi mọng hé cười, Ngọc Lan có mái tóc xoăn buông lơi. Khi biểu diễn, Khánh Ly, Thái Thanh hầu như chỉ mặc áo dài, Ngọc Lan thích diện váy.
Danh ca Thanh Thúy thời thiếu nữ qua chất liệu màu nước. Sau khi vẽ, họa sĩ gửi bà xem qua email, danh ca bày tỏ thích thú.
Thanh Thúy là một trong những giọng ca đầu tiên hát nhạc Trịnh. Lúc trọ học tại Sài Gòn, tình cờ, Trịnh Công Sơn được nghe tiếng hát của Thanh Thúy - khi đó mới 16 tuổi. Dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài cùng giọng ca trầm buồn, bà để lại cho ông ấn tượng sâu đậm. Khi biết gia cảnh khó khăn của Thanh Thúy lúc đó, ông viết tặng bà ca khúc "Ướt mi".
Ngoài các giai nhân, họa sĩ còn vẽ nhiều tài tử, văn sĩ. Cố diễn viên Chánh Tín lãng tử, hào hoa với mái tóc uốn xoăn, thời nổi tiếng cùng bộ phim "Ván bài lật ngửa".
Chánh Tín diễn bên Thanh Lan (vai người vợ Thùy Dung) trong "Ván bài lật ngửa" (1982). Video: Hãng phim Giải phóng.
Họa sĩ vẽ chân dung Trần Lập sau một năm trưởng nhóm Bức Tường qua đời.
Bức họa cố nhạc sĩ Văn Cao bằng sơn dầu là một trong những tác phẩm tâm đắc của tác giả, được vẽ nhân 25 năm ông qua đời. Tùy thể loại, họa sĩ hoàn thiện tranh từ vài buổi đến một tuần. Tranh sơn dầu khiến anh mất nhiều thời gian nhất vì vẽ nhiều lớp, lớp này khô xong mới đến lớp tiếp theo.
Họa sĩ vẽ tưởng niệm danh ca Pháp Christophe mất hồi tháng 4 ở tuổi 74. Christophe được biết đến nhiều tại Việt Nam khoảng năm 1965 khi tác phẩm Aline được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với nhan đề Gọi tên người yêu - được Thanh Lan, Ngọc Lan, Elvis Phương... thể hiện.
Chân dung nghệ sĩ Xuân Hương được anh đóng khung, trao tận tay chị.
Nguyễn Ngọc Tư - tác giả "Cánh đồng bất tận" - với phong cách quấn khăn rằn đặc trưng. Họa sĩ Lê Sa Long ấp ủ một triển lãm chân dung nghệ sĩ, dự kiến tổ chức năm sau tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Mai Nhật (ảnh: Lê Sa Long)