Một mùa 20.11 nữa lại về, những câu chuyện chúng tôi kể hôm nay là những mảnh ghép chân thực, sinh động để khắc họa về nhọc nhằn và vinh quang của nghề “bụi phấn bám đầy tay".
Niềm vui vào biên chế
Mồ hôi thấm ướt lưng áo, đôi bàn tay vẫn bám bụi kim loại với nhiều vết xước, tấy đỏ cùng gương mặt sạm đen vì rám nắng... Đây là hình ảnh thầy Phùng Đức Tăng (huyện Ba Vì, Hà Nội) trong lần đầu gặp chúng tôi vào tháng 9.2019. Thầy là một trong số hàng nghìn giáo viên ở Hà Nội - những nhân vật trong loạt bài về thân phận giáo viên hợp đồng mà Báo Lao Động từng phản ánh. Ngày đó, đúng dịp học sinh nô nức tựu trường, đồng nghiệp phấn khởi chào đón năm học mới, thầy Tăng và nhiều đồng nghiệp ở Hà Nội đã nhận thông báo phải nghỉ việc để chờ thi tuyển viên chức.
“Chua xót!” là câu đầu tiên thầy nói khi chúng tôi hỏi về nghề. Vì khi ấy, sau hơn 18 năm cống hiến trong nghề, nhận đồng lương hơn 1,3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn cố bám trụ, thầy phải rời bục giảng. Cũng ngày đó, ai thuê gì thầy làm nấy, từ hàn xì, sửa điều hòa, sửa điện… để lấy tiền nuôi mình, nuôi con.
Nghe câu chuyện của thầy, nhóm phóng viên chúng tôi đã khóc vì xót xa và quyết tâm đồng hành với thầy và hàng nghìn giáo viên hợp đồng ở Hà Nội trong hơn 1 năm qua, để đòi quyền lợi cho thầy cô. Rất mừng, loạt bài đã có kết quả, khi Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có cơ chế xét đặc cách cho không chỉ gần 3.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, mà các thầy cô trên cả nước (được tuyển dụng trước năm 2015), kể cả giáo viên phải nhận quyết định nghỉ việc trước năm học mới như thầy Tăng.
Trước ngày 20.11, một gala nhỏ được tổ chức. Rất nhiều nước mắt của thầy cô và cả phóng viên đã rơi, vì hạnh phúc. Sau những kiên trì, nỗ lực, năm nay, thầy cô đón mùa hiến chương trọn vẹn, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam với tư cách là một viên chức chính thức của ngành Giáo dục, được hưởng đầy đủ các chế độ, không còn thân phận là giáo viên hợp đồng.
Đâu đó vẫn còn những trăn trở...
Quay trở lại với nghề, đó là niềm vui, niềm tự hào nhưng dường như vẫn chưa trọn vẹn đối với nhiều thầy cô trong đợt tuyển dụng viên chức này. Đối với thầy Phùng Đức Tăng, ngôi trường mới cách nhà tới 60km và phải đi đi về về trong ngày vì gia đình có mẹ già, con nhỏ. Gần 2 tháng qua là những ngày thầy Tăng đi sớm về khuya, cuộc sống gia đình bị đảo lộn không ít.
“Ngày nào dạy 1 buổi thì trưa được về sớm với con, còn không thì 4h30 chiều tôi mới bắt đầu từ trường về, đi về tổng cộng là 120km. Nhưng 20.11 năm nay vui lắm, phấn khởi lắm. Chỉ cần được đứng lớp, hằng ngày ngắm nụ cười học trò, được làm công việc mình đã gắn bó suốt bao nhiêu năm, dù ở đâu cũng là niềm vui rất lớn đối với các thầy cô giáo chúng tôi” - thầy Phùng Đức Tăng (giáo viên Trường THCS Nam Trung Tín A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xúc động chia sẻ.
Tại huyện Chương Mỹ, nơi thầy Tăng công tác vẫn chưa có quyết định sang ngang ngạch lương nên dù đã dạy 18 năm nhưng hiện tại thầy phải quay trở lại vạch xuất phát để nhận mức lương tối thiểu. Dạy ở trường, thời gian di chuyển quá xa khiến thầy Tăng không thể nhận thêm bất cứ một công việc gì khác. Mức thu nhập đó có đủ nuôi sống gia đình hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đó không chỉ là niềm trăn trở của riêng thầy Tăng và còn của rất nhiều thầy cô trong đợt tuyển dụng viên chức này.
Hay câu chuyện về đồng lương giáo viên cùng câu hỏi bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” - nhiều năm nay vẫn là trăn trở của không riêng nhà giáo, không riêng ngành Giáo dục. Một khi cuộc sống giáo viên còn khó khăn về kinh tế thì đương nhiên phải làm thêm nhiều nghề tay trái để kiểm sống. Nhìn vào đội ngũ giáo viên hiện nay, không có mấy người là không làm thêm để nhằm kiếm thêm thu nhập, để nuôi mình, gia đình, để theo đuổi nghề giáo mà mình đam mê.
Giáo viên, ở đâu thời nào cũng vậy, luôn mong muốn được cống hiến hết mình. Nhưng có lẽ, những nỗi niềm, trăn trở của những người thầy, người cô cần được lắng nghe, có nhiều hơn những quyết sách để giáo viên có thể toàn tâm, toàn ý, yên tâm bám trụ với nghề.
... và những vinh quang
Nghề giáo xưa và nay vẫn luôn có một vị thế đặc biệt, nhận được sự kính trọng của toàn xã hội. Nhưng người theo nghề giáo bây giờ phải chịu áp lực từ nhiều phía, gia đình, nhà trường và dư luận xã hội. Thậm chí, theo PGS-TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - nghề giáo chịu áp lực ngang với nghề phi công, chữa cháy và y tế.
Trong những năm qua, rất nhiều nhà giáo vì áp lực nghề nghiệp, vì lương không đủ sống đã bỏ nghề, rẽ hướng tìm con đường mới. Đâu đó vẫn còn những câu chuyện tiêu cực, gây dư luận xấu, nhưng đó chỉ là con số ít trong hàng triệu câu chuyện về hình ảnh nhà giáo trên cả nước, đang hằng ngày âm thầm, lặng lẽ cống hiến. Nhiều câu chuyện đã được phóng viên Lao Động ghi lại, khắc họa và tôn vinh sự hy sinh thầm lặng đó.
Đó là các thầy cô của Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (huyện Mai Châu, Hòa Bình), ngày lên bục giảng tối đi đánh cá nuôi học trò. Mặc dù thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, những giáo viên nơi đây kiên trì bám trụ và dành cho học trò của mình một tình cảm to lớn. Thứ tình cảm đó không hẳn là tình thầy - trò, mà là tình yêu thương của những người ruột thịt. 20.11 năm nay, cũng như mọi năm, những đóa hoa rừng, bó măng, cân gạo là những món quà mà các thầy cô nhận từ học trò của mình.
Với các cô giáo của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh (nằm trong Khu đô thị căn cứ Cam Ranh, bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cũng vậy. Xa quê hương, chọn gắn bó với vùng đất đảo nắng gió, với các cô, sự trưởng thành, hạnh phúc của học sinh là phần thưởng cao quý nhất cho nghề “lái đò thầm lặng”. Hay hình ảnh cô giáo Đinh Thị Vân Anh (giáo viên Trường Tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) quyết tâm chèo ghe “bám lớp” nơi xã đảo xa xôi, làm tất cả vì tình yêu nghề, yêu trẻ... cũng được chúng tôi tôn vinh trong những bài viết của mình. Gắn bó với những đứa trẻ ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ từ khi nơi đây còn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Đã 11 năm trôi qua, kể từ khi cô đặt chân đến xã đảo, trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, cô vẫn chưa một lần có suy nghĩ chuyển trường hay chuyển nơi công tác về đất liền. Cô cho rằng điều níu chân mình ở lại Thạnh An là lòng yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần kiên định, quyết tâm mang đến tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ nghèo nơi đây, bằng việc truyền tải cho chúng kiến thức và ước mơ.
Nguồn: Báo Lao Động
Còn bạn? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn ở dưới phần bình luận nhé!