Đã bao giờ bạn quyết tâm thay đổi bản thân, và rồi kết quả là bạn lại … thất bại?
Ai cũng đã từng một lần muốn thay đổi một điều gì đó của bản thân, và rất nhiều người đã từng thất bại. Họ nói rằng mình sẽ quyết tâm kỷ luật bản thân, quyết tâm dùng ý chí của mình để thay đổi, và rồi họ thất bại.
Kết quả là “mèo lại hoàn mèo”, cuộc sống của họ cũng không thay đổi được nhiều. Bài này sẽ chia sẻ cho bạn một bí mật tâm lý giải thích cho điều này. Hãy viết ra những điều mà bạn muốn thay đổi ở bản thân mình ngay lúc này! ….
Dừng lại! Bạn đã viết ra chưa vậy? Nếu chưa viết thì đừng đọc tiếp!
Nếu bạn đang tự hỏi, nếu trả lời thầm trong đầu thì có được không? KHÔNG!
Bạn phải viết ra đã!
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng rà soát một số đáp án phổ biến. Bạn có muốn thay đổi sức khỏe, vóc dáng không? Chắc là có.
Bạn có muốn cải thiện một mối quan hệ nào đó? Chắc cũng có.
Bạn có muốn giàu có hơn, kiếm được thu nhập cao hơn không? Dĩ nhiên là có.
Bạn có muốn học thêm một ngoại ngữ không nhỉ? Đương nhiên có.
Bạn có muốn bứt phá trong sự nghiệp để đạt được thành tựu tốt hơn không? Hiển nhiên rồi.
Bạn có muốn….?
DỪNG LẠI! Nếu bạn đang muốn thay đổi quá nhiều thứ cùng một lúc, thì đây chính là vấn đề của bạn! Ý CHÍ CON NGƯỜI LÀ MỘT LOẠI SỨC MẠNH CÓ GIỚI HẠN
Các nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu chỉ ra rằng ý chí (willpower) của con người là một loại sức mạnh có giới hạn trong cùng một thời điểm. Nếu không biết cách sử dụng, chắc chắn nó sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Nó giống như hình ảnh một chiếc xe máy hay xe hơi cần phải sử dụng xăng dầu để hoạt động, khi xe chạy thì xăng dầu sẽ tiêu hao. Tương tự như vậy thì những hoạt động, công việc mà bạn phải kiểm soát bản thân, phải nỗ lực dùng ý chí để thực hiện sẽ tiêu hao sức mạnh ý chí của bạn. Và đó chính là lý do vì sao một số người không bao giờ có đủ ý chí để thay đổi.
Một hình ảnh khác để hình dung, đó chính là chiếc điện thoại smartphone nếu bạn đang dùng. Nếu bạn dùng quá nhiều chức năng một ngày, cả nghe gọi, chụp hình, lướt web, nhắn tin,… chắc chắn chiếc điện thoại ấy sẽ nhanh chóng hết pin. Ngược lại, bạn sử dụng ít chức năng thì pin của chiếc điện thoại sẽ càng lâu bị hết.
Một nhà tâm lý học xã hội mang tên Roy Baumeister đã thực hiện một thí nghiệp trên các sinh viên của mình. Ông đưa nhóm sinh viên vào một căn phòng, trong đó có đầy mùi bánh quy nướng cực kỳ thơm ngon. Trước đó, trên chiếc bàn được đặt một đĩa bánh quy và một bát củ cải đỏ. Một số sinh viên được yêu cầu thưởng thức bánh quy, trong khi những sinh viên còn lại được yêu cầu phải ăn củ cải đỏ. Sau đó, họ được yêu cầu hoàn thành một câu đố rất khó trong vòng 30 phút.
Thí nghiệm đã đưa ra kết luận rằng nhóm sinh viên đã ăn củ cải đỏ (dĩ nhiên là phải chống lại cám dỗ của đĩa bánh quy) đã từ bỏ câu đố sau 8 phút, trong khi những sinh viên may mắn (được ăn bánh quy) từ bỏ sau trung bình 19 phút. Thí nghiệm trên nói lên một điều rằng ý chí con người là một loại sức mạnh có giới hạn. Nhóm sinh viên phải dùng ý chí để vượt qua cám dỗ của mùi thơm từ bánh quy trong khi ăn củ cải đỏ đã bị tiêu hao lượng ý chí nhiều hơn nhóm sinh viên còn lại trước khi bước vào thử thách. Và đó là lý do họ bỏ cuộc sớm hơn.
ĐỪNG THAM LAM KHI THAY ĐỔI Như vậy, lý do khiến nhiều người không thể kỷ luật bản thân giúp họ thay đổi là bởi vì họ tiêu hao năng lượng ý chí cho quá nhiều việc. Nếu như bạn muốn thay đổi tất cả mọi thứ – những hành vi mà trước giờ bản thân bạn chưa được thiết lập thành thói quen, hiển nhiên bạn phải dùng lấy sức mạnh của ý chí. Và việc quá “tham lam” khi thay đổi khiến ý chí của bạn bị cạn kiệt hoàn toàn, và đó là nguyên nhân khiến bạn không còn đủ sức mạnh để thay đổi.
Hãy thử hình dung: Nếu bạn chưa bao giờ đến phòng tập gym, và giờ đây bạn muốn kỷ luật bản thân để ra phòng tập mỗi ngày, bạn cần ý chí. Nếu bạn chuyên thức khuya dậy muộn và giờ đây muốn dậy sớm mỗi ngày, bạn cần ý chí. Nếu bạn không có thói quen học ngoại ngữ hàng ngày, và giờ đây bạn muốn học một ngôn ngữ mới đều đặn, bạn cần ý chí. Bất kỳ điều gì mà bạn chưa từng làm quen, chưa từng tạo thành thói quen, nếu bạn muốn thiết lập, bạn đều cần ý chí. Việc này cũng giống như khi đi trên con đường mòn, đã được thiết lập và đi lại nhiều lần, bạn đi một cách tự nhiên như một phản xạ thông thường. Ngược lại, nếu bạn đi trên một con đường trong rừng, bạn không biết đi như nào, bạn không biết liệu có vật nhọn nguy hiểm gì trên đường không, xung quanh cây cối um tùm, hiển nhiên bạn phải hết sức tập trung khi đi. Điều đó tiêu hao ý chí của bạn. SỨC MẠNH CỦA SỰ TẬP TRUNG
Như vậy, bí quyết để bạn có thể dùng ý chí trong việc kỷ luật bản thân, đó là “đừng tham lam”. Hãy tập trung hoàn toàn trong việc thay đổi một điều gì đó bạn cho rằng quan trọng nhất với bạn tại thời điểm hiện tại. Nếu bạn đang muốn tập gym, đó là ưu tiên hàng đầu của bạn. Vậy thì hãy ưu tiên ngày nào cũng đến phòng tập, và đừng ép bản thân phải thay đổi thêm một điều gì đó khác nữa trong thời điểm hiện tại. Nếu bạn muốn học ngoại ngữ để nâng tầm bản thân, hãy ưu tiên và học nó mỗi ngày. Trong thời gian đó, đừng thúc ép bản thân phải làm cả những điều khác.
Nếu bạn muốn đột phá sự nghiệp, chẳng hạn bạn đang làm sales và muốn đột phá doanh số, mỗi ngày hãy dành thời gian để đọc sách, xem clip, tìm hiểu về các bí quyết từ những người bán hàng giỏi nhất. Làm bất kì điều gì bạn muốn thay đổi, nhưng điều quan trọng là bạn phải tập trung.
Chỉ chọn duy nhất một điều trong thời điểm hiện tại. Khi bạn đã thành thục thói quen sau một thời gian, khi đó bạn không còn tốn ý chí để thực hiện việc đó nữa, bạn có thể chuyển sang thói quen khác, hoặc điều khác mà bạn muốn thay đổi.
Vậy thời gian bao lâu để chuyển sang thói quen mới, câu trả lời là tùy bạn. Nếu bạn cần 1 tháng, sau 1 tháng là đủ. Nếu bạn cần nhiều hơn, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, cũng không sao cả. Bởi lẽ, những người thành công nhất cũng chỉ cần một vài thói quen vàng cốt lõi. Trong cuốn The Happiness Project, tác giả có đưa ra một ý tưởng rất hay rằng một năm có 12 tháng, và hãy chọn chủ đề cho mỗi tháng. Để trong từng tháng một, bạn tập trung và toàn tâm toàn ý làm thật tốt nó, nâng nó lên một tầm cao mới. Nếu muốn đột phá, thì bạn phải tập trung!