Lắng nghe và trình bày trong giao tiếp - Tư Duy Lô Hội

Hằng ngày chúng ta vẫn giao tiếp với nhau bằng nhiều cách, nhưng chỉ có một số người biết làm chủ những kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống.

Thất bại trong giao tiếp gây ra nhiều vấn đề trong xã hội, có thể gây cảm giác xấu hổ, tổn thương hoặc giận dữ, tẩy chay hay tệ hơn là hành vi bạo lực.

Trong cuộc sống hằng ngày giao tiếp rất quan trọng để giữ mọi người gần nhau và cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ. Trong kinh doanh giao tiếp càng quan trọng để các bên cùng tiến đến những thỏa thuận, hoàn thành mục tiêu và duy trì mối quan hệ làm ăn bền vững.

Giao tiếp là quá trình trao và nhận thông tin giữa hai bên. Chính vì vậy trong nghệ thuật giao tiếp rất coi trọng khả năng lắng nghe và trình bày. Dưới đây là một vài kỹ năng cần có để giao tiếp đạt được hiệu quả, nhờ vậy bạn sẽ đạt được mục đích của mình.

1, Lắng nghe

Kỹ năng nói là tiền đề để bạn tạo dựng mối quan hệ, nhưng nghệ thuật lắng nghe mới là nhân tố chính mang đến thành công cho bạn. Tại sao lại như vậy ?

Vì đa số mọi người đều muốn giải bày mọi chuyện buồn/ vui trong cuộc sống, họ đều có nhu cầu được nói ra và muốn người khác lắng nghe. Do đó người biết nghe sẽ tạo được cảm giác quan tâm, gần gũi và thân thiết.

Dưới đây là một vài chỉ dẫn sẽ giúp bạn lắng nghe tốt hơn:

- Kiên nhẫn lắng nghe, dù bạn phát chán cũng đừng nên ngắt lời nếu không thực sự cần thiết.

- Chú ý vào câu chuyện của người nói, hiểu được nội dung mà họ muốn truyền tải, đừng vì chán mà lơ đi để rồi sau đó bạn không biết họ đang nói về chuyện gì cả.

- Đặt mình vị trí của người đang nói. Bạn không nên lắng nghe một cách thụ động và để lời nói lọt từ tai này qua tai kia, không đọng lại gì trong tâm trí của bạn. Có như vậy bạn mới thấu hiểu được cảm giác của người nói trong câu chuyện/ hoàn cảnh của họ.

- Tôn trọng ý kiến của người khác:

Hãy lắng nghe ý kiến của người khác và đánh giá một cách chân thật nhất. Không nên đả kích hay chê bai ý kiến của họ. Làm như vậy sẽ khiến cho họ cảm thấy không được tôn trọng.

Khi nghe chúng ta nên tỏ thái độ tích cực, nếu không chính chúng ta sẽ biến mình thành con người ích kỷ, nhỏ nhen. Nếu kéo dài tình trạng đó sẽ không ai chia sẻ gì với bạn nữa. Vì vậy hãy tôn trọng ý kiến của người khác trước khi bạn muốn họ tôn trọng ý kiến của mình.

- Có những phản ứng nhỏ với câu chuyện được nghe, ví dụ như gật gù, ừ, à, nói “ đúng vậy đấy”, khi có ý ủng hộ, hoặc mỉm cười, chau mày,….

- Giữ liên lạc bằng mắt.

- Nếu không hiểu điều gì, hãy hỏi lại ngay.

- Diễn giải lại 1 vài điều bạn vừa nghe nếu câu chuyện của đối phương khá dài, để chắc chắn là bạn theo kịp những gì họ muốn nói.

2, Trình bày

Trình bày tức là nói, người biết nói có thể tạo ấn tượng trước người khác. Dưới đây là một vài chỉ dẫn sẽ giúp bạn nói tốt hơn:

- Luôn trau dồi kiến thức xã hội bằng cách đọc sách, báo, học hỏi cuộc sống quanh mình, đó là tài nguyên để bạn khai thác trong những câu chuyện với mọi người.

- Khi nói chuyện hãy phụ họa bằng những động tác tay nhẹ và gọn, ánh mắt diễn đạt sắc thái những gì đang nói. Thỉnh thoảng nhìn thẳng vào đối phương khi cần thiết.

- Khen ngợi người đối diện một cách thành thật và tế nhị. Điều này tuy không dễ, nhưng khi chúng ta quan tâm đến người đang nói chuyện với mình, bao giờ ta cũng tìm ra một điều gì đó nơi họđể khen ngợi, hoặc ở ngoại hình, hoặc sức khoẻ, hoặc tài năng, hoặc phẩm chất đạo đức ..v…v…

- Vui vẻ luôn là chất dầu bôi trơn câu chuyện của mọi người. Mọi vấn đề dù căng thẳng đến đâu, nhưng khi người ta trao đổi với nhau bằng sự cảm thông, cởi mở, tích cực và thiện chí thì câu chuyện luôn đi theo hướng tốt đẹp và mang lại hiệu quả tốt. Hãy rèn luyện khả năng hài hước để giúp câu chuyện của bạn trở nên sinh động hơn.

- Góp ý chân thành: Vì lợi ích của người nghe hãy cho họ những lời khuyên chân thành, dù đôi khi đó là những sự thật hơi khó nghe về họ.

Trước khi góp ý, nên dành ra vài lời khen ngợi để khiến người nghe có tâm trạng thoải mái. Tiếng nói từ trái tim chân thành của ta sẽ khơi dậy phản ứng tích cực nơi người đối diện.

- Hạn chế dùng từ địa phương, gây khó hiểu, tuyệt đối không nói tục hay nói kiểu úp mở, không rõ ràng.

- Chú ý âm lượng không quá to, không quá nhỏ, nhấn nhá đúng những điểm bạn muốn nhấn mạnh và gây chú ý.

Cuối cùng bạn hãy xây dựng cho mình một quan điểm sống, một triết lý nền tảng trong đối nhân xử thế để duy trì các mối quan hệ trên cơ sở đó, nhờ vậy cách giao tiếp của bạn với mọi người sẽ có sự nhất quán và hình thành như một thói quen tốt.

Nghệ thuật lắng nghe ý kiến khách hàng
Nghệ thuật lắng nghe ý kiến khách hàng 

Bạn có thể đọc các sách như “Đắc nhân tâm”, “Những bí quyết giao tiếp tốt”,….để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình.

PHẠM QUANG THỊNH 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!