Bước chuyển mình của ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Sự thành công và phát triển mạnh mẽ của ngành bán hàng đa cấp (BHĐC) trên thế giới đã chứng tỏ được sự đúng đắn, cũng như văn minh tiến bộ của ngành.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các công ty và doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh này để thu lợi bất chính đã mang lại những cái nhìn không được thiện cảm cho ngành hàng. Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của các công ty chân chính, và sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành đã phần nào giúp BHĐC tiếp tục phát triển và khẳng định vị trí của ngành.

Nhận diện đa cấp biến tướng

Thiết lập website góp tiền và kêu gọi người tham gia để hưởng hoa hồng, hô hào đóng góp tài chính lãi suất lớn... là những dạng thức mới của đa cấp biến tướng đang ngày càng nở rộ. Nhiều hình thức đa cấp biến tướng, trá hình rất tinh vi ngày càng nở rộ, len lỏi khắp nơi để “giăng bẫy” song vẫn thu hút hàng nghìn người tham gia.

Ngay sau khi nhiều công ty đa cấp bất chính bị bóc mẽ thì lại mọc lên những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi hơn trước. Một trong những hình thức “lách luật” này là bán dịch vụ thông qua hình thức kinh doanh đa cấp. Những người bị “ăn quả lừa” khi tham gia những hệ thống kiểu này thường bị che mắt bởi giá trị lợi nhuận rất cao, trong khi thậm chí còn không biết sản phẩm mà mình mua thực chất là gì.

Khác với những hình thức BHĐC biến tướng mà nhiều người được biết từ trước đến nay là chia % hoa hồng rất lớn cho các nhà phân phối, thì một số công ty đã tung ra chiêu thức mới bằng cách dụ dỗ “đối tác” mua các gói dịch vụ và được “đồng hưởng” phần trăm doanh số bán hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, người tham gia phải lựa chọn các gói dịch vụ từ vài triệu đến vài trăm triệu, nhưng trên thực tế, sau khi đã “góp vốn”, đến lúc được chia lợi nhuận thì mới “té ngửa” bởi số lợi nhuận được chia chỉ tính bằng từ 2-3% số tiền vốn mà họ góp, 98% lợi nhuận còn lại sẽ vào túi “nhà đầu tư”. Đây là một chiêu “giăng bẫy” rất tinh vi mà những người nhẹ dạ cả tin rất dễ mắc phải.

Một chiêu lừa đảo khác, để lấy lòng tin của những “con mồi”, một số công ty kinh doanh bất chính không ngần ngại giả mạo giấy tờ kinh doanh để lừa đảo. Không chỉ vỡ mộng làm giàu, nhiều người còn có nguy cơ mất trắng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Thời gian qua nhiều công ty bị khởi tố vì làm giả giấy tờ để kinh doanh đa cấp như các loại giấy chứng nhận những sản phẩm được sản xuất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, hay những nơi có uy tín để lừa đảo người dân tham gia mua hàng.

Chiêu dụ người tham gia góp tiền vào hệ thống theo kiểu đầu tư tài chính để hưởng hoa hồng và hưởng thêm hoa hồng từ việc chiêu dụ người khác tham gia cũng là một hình thức BHĐC biến tướng tinh vi nữa xuất hiện. Với kiểu đa cấp phải mua hàng hóa thì nhiều người còn đắn đo với khoản tiền ban đầu bỏ ra mua những món hàng quá đắt đỏ, nếu không xây dựng được mạng lưới cấp dưới thì coi như mất tiền mua hàng. Chính vì vậy, kiểu đầu tư tài chính đa cấp có đất “tung hoành” khi chiêu dụ người tham gia rằng bỏ tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận, muốn rút khỏi hệ thống thì rút. Kiểu tham gia này khiến nhiều người chắc mẩm mình chỉ có lời chứ không mất đồng nào

Tuy nhiên, các mô hình tài chính này cũng sẽ thu phí khi nhà đầu tư muốn rút tiền ra. Nhiều người chỉ nhìn thấy mức sinh lợi hấp dẫn mà không nhìn thấy các khoản chênh lệch nộp vào - rút ra và phí quản lý đã khiến khoản tiền “đầu tư” mình nộp vào đã lỗ ngay tức khắc. Với các khoản phí “chặt đầu chặt đuôi” khiến người tham gia không muốn rút vốn lại sớm mà phải đợi đến khi tiền lãi tích tụ cao hơn mức phí mới có thể rút. Khoảng thời gian này đủ để doanh nghiệp chiêu dụ, mở rộng mạng lưới, ôm một khoản lớn tiền đầu tư rồi quét nhanh, rút gọn. Đến khi nhiều người tham gia muốn rút khoản đầu tư ra thì doanh nghiệp cũng biến mất.

Bước chuyển mình của ngành BHĐC tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh đa cấp cũng phát triển và gặt hái nhiều thành công từ những năm 90, với sản phẩm dịch vụ chính là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Sau những năm 2000, các sản phẩm được phân phối dưới dạng bán hàng đa cấp đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Cho đến hiện tại, mô hình bán hàng đa cấp tại Việt Nam đang dần có sự khác biệt rõ rệt giữa kiểu bán hàng đa cấp chân chính với bán hàng theo mô hình kim tự tháp.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tuân thủ các quy tắc ứng xử trong kinh doanh và thực hiện quy định của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ là nền tảng và động lực thúc đẩy các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính phát triển bền vững.

“Nhằm lập lại trật tự và siết chặt lại mô hình bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều, khoản không còn phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời nâng cao điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi muốn tham gia vào thị trường”, đại diện Amway Việt Nam cho biết.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số quy định để quản lý tốt hơn. Điều 4, khoản 3 Nghị định 42 ban hành năm 2014 quy định: “Mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp”, tuy nhiên loại hình lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính đang có xu hướng phát triển mạnh thông qua các loại hình dịch vụ mới như đào tạo, du lịch, quỹ từ thiện, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, trung tâm hỗ trợ người nghèo, các trò chơi trực tuyến, bất động sản…

Điểm q, Điều 5.1 – Nghị định 42/2014/NĐ – CP ghi rõ, cấm doanh nghiệp BHĐC thực hiện hành vi kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Do đó có thể thấy, mô hình bán hàng kim tự tháp là một dạng biến tướng của BHĐC và vốn dĩ không phải là ngành thương mại chân chính, hợp pháp; bởi lẽ mô hình này không có sự bảo vệ thật sự dành cho người tham gia mà thay vào đó thường yêu cầu hoặc khuyến khích người tham gia phải trả trước một khoản tiền lớn.

Vừa qua, trước yêu cầu phát triển ngày càng đa dạng của ngành hàng này, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thay thế cho Nghị định 42 với nhiều thay đổi lớn nhằm bảo vệ người tham gia cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp. Hy vọng Nghị định mới sẽ tiếp tục hoàn thiện mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh đa cấp trong sạch, minh bạch, tạo động lực để các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động kinh doanh, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!