Ba hiểu lầm về ý nghĩa của sự nỗ lực

Để thật sự nỗ lực, ta cần phải hiểu nỗ lực là gì. Vậy mà câu chuyện kinh điển Rùa và Thỏ cũng có vấn đề của riêng nó...

"Success is never owned; it is only rented - and the rent is due every day." - Rory Vaden

Tạm dịch: Bạn không thể sở hữu sự thành công, chỉ có thể thuê nó - và tiền thuê phải trả hàng ngày.

Tác giả của cuốn sách "Take the Stairs: 7 Steps for Achieving True Success" - Rory Vaden đã mô tả: nếu bạn muốn thành công, việc nỗ lực hàng ngày sẽ là chi phí bỏ ra để có thể thuê được nó. Nền văn hóa của chúng ta từ lâu đã đề cao sự nỗ lực với vô spps những tấm gương, câu chuyện, chẳng hạn như cuộc đua nổi tiếng Rùa và Thỏ. Hình ảnh Rùa vốn dĩ chậm chạp đã chiến thắng Thỏ nhanh nhẹn tượng trưng cho sự nỗ lực kiên trì sẽ tạo ra những điều không thể.

Để thực sự nỗ lực, ta cần phải hiểu nỗ lực là gì. Vậy mà trong chính câu chuyện Rùa Thỏ này cũng có vấn đề của riêng nó...

Vấn đề của Rùa và Thỏ

Vốn xem thường Rùa là loài chậm chạp, Thỏ đã chểnh mảng trong cuộc thi. Rùa thì từng bước chậm rãi nhưng kiên trì nên cuối cùng giành được chiến thắng. Thông qua câu chuyện, người đọc thấy được tầm quan trọng của sự nỗ lực và dù có tài năng như thế nào, nếu không nghiêm túc cố gắng sẽ gặp thất bại.

Câu chuyện này đang phân biệt quá rõ ràng 2 vế:

  • Nếu bạn không tài năng hơn người thì phải nỗ lực.
  • Nếu bạn tài năng thì đừng có tính khí thất thường.

Vậy nếu trở thành một nhân vật trong câu chuyện, bạn muốn trở thành ai?

Chúng ta không muốn làm rùa

Thành thật thì chẳng ai muốn trở thành một người không tài năng cả. Và nếu phải trở thành rùa, còn gì ngốc nghếch hơn khi ta chấp nhận tham gia vào cuộc thi mà phần thua gần như chắc chắn.

Nếu thỏ không lơ là mà thật sự nghiêm túc, liệu rùa có cơ may nào chiến thắng? Và nếu có một cuộc thi tương tự sau đó, chẳng lẽ thỏ lại tiếp tục mắc lại sai lầm cũ? Và sự thành công may mắn có được từ sai lầm của người khác sẽ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày?

Trả lời xong những câu hỏi này, hẳn là ta sẽ nhận ra mình chẳng muốn làm Rùa chút nào, dù nó là tấm gương tốt trong câu chuyện.

Chúng ta muốn tài năng như thỏ

Tuy Thỏ thua cuộc, nhưng ta vẫn tự nhủ rằng tới lượt mình sẽ không lơ là như vậy và có thể làm tốt hơn. Ta tin rằng nếu đã có sẵn tài năng, thì dù ban đầu ta không nỗ lựuc và gặp phải thất bại, ta vẫn sẽ thành công ở lần sau - ta chỉ cần có thêm một chút chiến lược và sự cố gắng.

Và ta cũng tin rằng thành công tới từ tài năng thì không phải do may mắn, không phải vì một ai đó thất bại ta mới được thành công.

Nhưng dù là muốn làm Rùa hay Thỏ, thì những lối suy nghĩ này cũng có thể dẫn ta tới những lầm tưởng về sự nỗ lực.

Lầm tưởng #1: Nỗ lực chỉ dành cho người không có năng lực

Nếu ta thấy ai đó ngay từ đầu đã phải nỗ lực, ta sẽ ngầm đánh giá họ giống như Rùa, bởi vì không có năng lực mới phải cần rất nhiều sự nỗ lực. Hiểu sai điều này còn dẫn tới một hội chứng tâm lý gọi là "Hội chứng con vịt", với những hình mẫu:

  • Cậu bạn học sinh giỏi được điểm cao lại luôn tỏ ra lười biếng, không quan tâm tới học hành. Dù rằng tối nào cũng phải thức khuya và học thêm nhiều lớp khác.
  • Anh bạn đồng nghiệp với câu cửa miệng "cái này dễ không ấy mà" cho bất cứ công việc nào dù từng làm hay chưa. Nhưng lại phải mang việc về nhà, cố gắng tìm đủ mọi cách xoay xở để hoàn thành.

Đây có thể là những người đang chịu áp lực phải thể hiện mình là người có năng lực. Việc này vừa tạo ra những áp lực không đáng có lên bản thân, vừa khiến ta đánh giá sai người khác.

Một vài dấu hiệu có khi có lầm tưởng này:

  • Bạn thấy có chút vui kh thấy người khác nỗ lực hoàn thành công việc mà mình có thể làm dễ dàng;
  • Bạn cho rằng nếu một người không thể làm tốt việc mà mình làm tốt, thì người đó năng lực không bằng mình.
  • Luôn tỏ ra thông minh, và tìm cách che giấu sai lầm hay khuyết điểm.

Lầm tưởng #2: Nếu không có năng lực, nỗ lực thành công thì chẳng qua là do may mắn

Vì Thỏ đã lơ là nên mọi nỗ lực của Rùa mới có thể mang lại chiến thắng. Nên những người vốn dĩ đã bị cho là không có năng lực, nếu có đạt được thành tựu thì chẳng qua cũng là do may mắn.

Cũng chính vì nỗi sợ bị cho là may mắn, người ta thà tìm cách để thể hiện mình là người luôn hoàn thành mọi việc nhẹ nhàng, còn hơn bị xem là người không có năng lực.

Một vài dấu hiệu khi có lầm tưởng này:

  • Bạn cố tỏ ra mình hoàn thành mọi thứ thật dễ dàng
  • Bạn có xu hướng xem thường độ khó của mọi việc ngày từ khi bắt đầu.
  • Cố tỏ ra là mình ổn nhưng bê trong nước mắt là biển rộng, không dám nhờ người khác hỗ trợ.

Lầm tưởng #3: Lời biện hộ nỗ lực ảo

Nỗ lực là quan trọng, nhưng khi đánh giá cao nó, ta đang vô tình lấy nó làm lớp bọc bảo vệ, tạo cơ hội để nó trở thành "lời biện hộ" cho kết quả không như mong muốn. Ta cho phép mình chấp nhận một kết quả thấp hơn năng lực thật sự, chỉ cần tự nhủ "dù gì cũng đã cố gắng hết sức rồi."

Điều đáng buồn là, cách này có thể vô tình khiến cho những áp lựuc bên ngoài dần biến mất, thứ mà tới lúc nào đó lại trở thành những nguồn động lực rất cần thiết cho sự phát triển của bản thân.

Một vài dấu hiệu khi có lầm tưởng này:

  • Luôn tỏ ra rất bận rộn nhưng không phải làm việc chính.
  • Hay than thở mệt nhọc, nhưng năng lượng lại không hoàn toàn dành cho công việc.
  • Luôn tự an ủi đã cố gắng hết sức, nhưng không có hành động gì hướng tới kết quả tốt hơn như rút ra kinh nghiệm, tự kiểm điểm lại những gì chưa tốt.

Suy nghĩ cuối cùng

Bạn đừng là Rùa, nhưng cũng đừng là Thỏ.

Nếu tài năng, hãy nỗ lực rèn dũa cho tài năng đó trở nên sắc bén và thật hiệu quả. Năng khiếu nếu không có sự đầu tư cùng nỗ lực thực hành, nó sẽ không thể trở thành tài năng. Nếu phải nỗ lực, hãy nỗ lực vì mình cần chứ không phải để chứng minh cho người khác thấy.

Bạn cũng có thể lưu ý thêm một điều từ câu chuyện: Rùa có thể là người chạm tới vạch đích đầu tiên, nhưng nó lại lỡ mất những bông hoa thơm và cảm giác đắm mình ngủ trên bãi cỏ của Thỏ. Chẳng cần phải tham gia cuộc đua nào cả; trải nghiệm có khi lại thú vị hơn cảm giác chiến thắng cuối cùng.

Sau cùng, việc phân loại giữa những người nỗ lực và những người không nỗ lực lại không phải là điều gì tốt cho lắm. Vì cuộc đời này không rõ ràng như vậy, đôi khi ta cũng có thể đầu hàng, ngừng nỗ lực để nghỉ ngơi, và để bắt đầu lại từ đầu.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)