Mỗi lời nói dối sẽ vô tình giới hạn những lựa chọn trong tương lai của chính bạn

Người ta thường nói dối khi muốn che giấu một điều gì đó do sợ hậu quả khi nói thật. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nói dối không hề có lợi cho sức khỏe.

Ngày "Cá tháng 4” (1/4) vốn dĩ là ngày hội vui, tinh nghịch và hài hước được gọi là “ngày nói dối”. Thông qua đó, bạn bè, người thân có thể bị... lừa vui, không sợ phiền hà, không sợ trách móc. Tuy nhiên, có người không phải mỗi năm mới có một ngày “cá tháng 4” mà đối với người ấy phải gọi là “cá cả năm” bởi lúc nào cũng có thể nói dối - thành thói quen khó bỏ... 

Chúng ta thường nghĩ những lời nói dối cho qua chuyện hoặc để làm người khác yên lòng thì không gây hại gì. Tuy nhiên, nói dối khiến thần kinh căng thẳng, dẫn tới bạn sẽ càng lo lắng và thậm chí thể chất cũng bị vạ lây. Chẳng hạn, bạn có thể bị đau đầu hoặc viêm họng. Tại sao vậy? Là bởi việc có hai ý nghĩ trái ngược nhau cùng song song tồn tại trong tâm trí sẽ làm bạn bị stress. Khi nói dối, bạn biết đâu là sự thật và đâu là lời dối trá. Bạn không phải chỉ nhớ mình đã bịa ra chuyện gì mà còn bịa đặt với ai. Bạn lo lắng họ sẽ tìm ra sự thật và nổi điên lên với mình. Vì thế, tốt hơn là nên nói sự thật, lời nói chân thật sẽ giúp bạn thanh thản tiếp tục cuộc sống. 

Nói đến cái hại của nói dối, từng có một câu chuyện kể rằng: "Một nhà sư đi khất thực đến một gia đình giàu có nọ. Gia đình này nuôi một bầy ngỗng. Khi chủ nhà mang lương thực ra cúng cho sư thì chiếc nhẫn vuột ra khỏi tay và rơi xuống đất, có một con ngỗng vô tình nuốt lấy. Nhà sư nhìn thấy cảnh đó và rất lấy làm khó xử: Nếu nói thật thì con ngỗng phải chịu chết (chủ nhà mổ bụng ra lấy nhẫn), còn nói dối thì vi phạm giới luật. Vậy nên nhà sư lựa chọn cách im lặng và chuẩn bị rời đi.

Trớ trêu thay ngay lúc này chủ nhà chợt phát hiện ra mình bị mất chiếc nhẫn nên mới hỏi nhà sư có thấy chiếc nhẫn của mình không. Chủ nhà hơi nghi hoặc vì thái độ khó xử kỳ lạ của nhà sư nên thái độ càng lúc càng hằn học (vì nghĩ rằng nhà sư tham lam trộm mất nhẫn của mình). Lúc này, nhà sư lại phải chịu thêm tiếng oan. Nếu nói thật thì được giải oan, nhưng con ngỗng phải chết. Còn nếu giải thích rằng “Tôi không thấy chiếc nhẫn” thì hóa ra là nói dối. Và nhà sư lại lựa chọn im lặng. Được một lúc thì con ngỗng quay ra chết (do nuốt chiếc nhẫn to quá). Trong sự ngạc nhiên của người chủ nhà, nhà sư buồn bã nói: Con ngỗng chết là do nuốt chiếc nhẫn đó."

Vậy mới thấy, đôi khi bạn nghĩ nói dối có thể cứu nguy cho mình nhưng thực tế, nó tước đi hạnh phúc của bạn. Mỗi lời nói dối lại giới hạn những lựa chọn trong tương lai. Chỉ có sự thật mới cho bạn tự do. Dối trá có thể hủy hoại các mối quan hệ tình yêu, tình thân, bạn bè, đồng nghiệp. Thật khó để ở bên cạnh ai đó khi bạn không có niềm tin nơi họ và nghi ngờ bất cứ điều gì họ nói. Nói dối khiến bạn khó lòng có được những tình cảm chân thật.

Mỗi lời nói dối, mỗi hành động lừa dối đều góp phần dung dưỡng một con quỷ có thể làm băng hoại tính cách và cuộc đời bạn. Bản thân chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất vì nói như thế sẽ trở thành thói quen, dần dần sẽ chuyển từ ý nghĩ nói thiện sang nói bất thiện.

Hãy nhớ, bạn không chỉ phải thành thật, mà còn phải dạy con cái thành thật trong mọi chuyện. Kể cả những lời nói dối vô hại (white lie) cũng thực sự có hại. Theo nhà bác học Einstein: “Khi bạn nói dối cả những chuyện nhỏ thì gặp chuyện lớn, còn ai dám tin bạn”.  Trong một vài tình huống, nói thật sẽ rất khó. Nhưng nếu giữ được quan điểm chính trực, bạn sẽ chiếm được sự tôn trọng của đối phương và bản thân bạn cũng cảm thấy mình đáng trân trọng. Hãy tự tin với việc mình đang thành thật trong cuộc sống dù ngoài kia mọi người có thế nào. 

Nguồn: Bestie

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)