Vì sao bị từ chối lại đau đến thế?

Bị crush "phũ", rớt phỏng vấn xin việc, sa thải khỏi công ty,.. Dù là hình thức nào thì việc bị từ chối đều mang một nỗi đau nhức nhối như nhau.

  • Nỗi đau bị từ chối được lập trình trong não bộ từ thuở nguyên thuỷ.
  • Kiểu gắn bó cũng là yếu tố khiến nhiều người khó vượt qua nỗi đau bị từ chối hơn người khác.
  • Người có chỉ số nhạy cảm từ chối cao cảm thấy việc bị từ chối áp lực và nghiêm trọng hơn.

Trong đời mỗi người đều trải qua ít nhất vài lần bị “từ chối”, kể cả trong công việc lẫn các mối quan hệ tình cảm. Dù nó diễn ra bao nhiêu lần, mức độ nặng nhẹ ra sao thì bạn cũng khó lòng lờ đi được nỗi đau nó mang lại.

Vậy nỗi đau bị từ chối này từ đâu mà đến? Và liệu có một liều thuốc giảm đau tinh thần nào cho nó hay không?

Nỗi đau bị từ chối được lập trình trong não bộ

Theo các nhà tâm lý học tiến hoá, sở dĩ não bộ phải tự lập trình nỗi đau này là vì thuở nguyên thuỷ chúng ta không thể sinh tồn nếu chỉ "một thân một mình". Việc bị từ chối khỏi bộ tộc đang sinh sống không khác nào ta phải đối mặt với cái chết. Vậy nên, nỗi đau bị từ chối có thể xem là tín hiệu giúp con người sinh tồn.

 Về sau, khi các nhà khoa học sử dụng máy quét não MRI và hỏi tình nguyện viên nhớ lại lần bị từ chối gần nhất, thì một vùng não kích hoạt trải nghiệm đó cũng tạo ra một nỗi đau tinh thần tương tự nỗi đau thể chất. Chứng tỏ niềm đau bị từ chối được dấy lên bởi não bộ chúng ta.

Kiểu gắn bó lo âu

Kiểu gắn bó lo âu là một trong bốn kiểu gắn bó thuộc thuyết gắn bó của nhà tâm lý John Bowlby. Những người thuộc kiểu gắn bó này từ nhỏ đã bị chối bỏ về mặt cảm xúc bởi người chăm nuôi họ. 

Vì thế, họ lớn lên với nỗi sợ bị từ chối, dù là bị chối bỏ tình cảm, từ chối công việc hay gặp thất bại. Họ luôn tìm kiếm sự khẳng định, chấp nhận và đặc biệt nhạy cảm với những dấu hiệu có biểu hiện họ sẽ bị từ chối.

Nghiên cứu cho thấy những người thuộc kiểu gắn bó lo âu có chỉ số rejection sensitivity cao hơn bình thường, do họ có mức độ lo lắng cao và lòng tự tôn thấp. Chỉ số này cũng là một nhân tố cho ta biết vì sao một vài người lại khó lòng vượt qua nỗi đau này hơn nhiều người khác.

Mức độ nhạy cảm từ chối cao

Tâm lý học xã hội phát triển khái niệm rejection sensitivity, viết tắt là RS (tạm dịch: độ nhạy cảm từ chối). Được thể hiện khi một người có xu hướng lo âu hay phản ứng thái quá lúc bị từ chối.

Trải nghiệm thời thơ ấu thường là yếu tố quyết định mức độ nhạy cảm từ chối của bạn (ví dụ kiểu gắn bó lo âu phía trên), nhưng gen di truyền cũng góp một phần vào đó. Nghiên cứu cho thấy có một loại gen mang tên OPRM1 tạo ra sự liên kết giữa nỗi đau thể chất và nỗi đau tinh thần khi bị từ chối. Những người sở hữu dạng gen hiếm này đặc biệt nhạy cảm hơn khi đối mặt với nỗi đau bị từ chối.

Những ai có chỉ số rejection sensitivity cao gặp nhiều áp lực khi đối mặt với việc bị từ chối. Họ cũng dễ hiểu lầm hành động của người khác bởi sự nhạy cảm của mình.

Chẳng hạn như ai đó không trả lời tin nhắn lập tức, họ sẽ cho rằng người này không quan tâm hay không muốn làm bạn với mình nữa. Còn những người có chỉ số rejection sensitivity trung bình chỉ nghĩ có lẽ người kia đang bận thôi.

Làm thế nào để đối mặt với nỗi đau bị từ chối?

Với nhiều người, nỗi đau bị từ chối khó có thể tránh khỏi, nhưng ta vẫn có thể chọn ra cho mình những cách để đối mặt tốt hơn. 

1. Gạt bỏ những suy nghĩ trách móc bản thân

Bị từ chối đồng nghĩa bạn mất đi một cơ hội mà mình mong muốn, khiến bạn vạch ra nhiều suy nghĩ tiêu cực, tự tra xét bản thân mình cũng như những viễn cảnh xấu nhất sau khi đã bị từ chối.

Chẳng hạn bị nếu bị crush phũ thì mình sẽ chẳng yêu ai được nữa, công ty này không nhận mình vì mình thật vô dụng. Những suy nghĩ dằn vặt đó còn được biết đến là catastrophic thinking, xu hướng nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất.

Rơi vào vòng xoáy suy nghĩ này càng khiến bạn khó đối mặt với nỗi đau bị từ chối. Tìm hiểu thêm bài viết về Catastrophic thinking để kiểm soát những viễn tưởng tiêu cực của bản thân, hoặc bạn có thể đi đến bước tiếp theo.

2. Định nghĩa lại giá trị lòng tự tôn

Sau mỗi lần bị từ chối, hình ảnh về bản thân của bạn sụp đổ với suy nghĩ “mình bị từ chối bởi vì không xứng đáng”. Nhưng đây chính là khoảng thời gian để bạn dừng lại và tái định nghĩa giá trị lòng tự tôn của mình.

Lòng tự tôn được biết đến như giá trị bản thân bạn theo đuổi và mức độ bạn xem trọng chúng. Hãy dành thời gian đào sâu nội tâm để tìm và khẳng định lại những giá trị đó, bằng cách đặt ra những câu hỏi như:

  • Đâu là giá trị trong cuộc sống mà bạn mong muốn theo đuổi? (trong công việc, mối quan hệ,...)
  • Giá trị của bạn có được định nghĩa bởi sự từ chối này không? 
  • Sự từ chối này có quan trọng so với mục tiêu 1 năm, 5 năm hay 10 năm nữa của bạn không?

Mỗi cơ hội tạo ra một khả năng, mất đi cơ hội đó không đồng nghĩa rằng bạn sẽ đánh mất mọi khả năng khác để lựa chọn. Chẳng hạn nếu đậu đại học, khả năng duy nhất là bạn sẽ đi học đại học. Nhưng nếu bị từ chối, bạn vẫn còn những lựa chọn thay thế như học để thi lại, gap year, hoặc đi làm thêm lấy kinh nghiệm,...

Dời điểm tập trung của bạn ra khỏi việc bị từ chối sẽ giúp bạn thấy được giá trị hình ảnh bản thân trong nhiều tình huống khác nhau.

3. Liệu nỗi đau có bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác?

Ngoài những nguyên nhân chính gây ra nỗi đau bị từ chối, nhiều yếu tố ngoại cảnh cũng góp phần tạo nên nỗi đau này. Chẳng hạn như:

  • Bạn so sánh bản thân với người khác: họ nhận được công việc tốt hơn còn mình thì không.
  • Áp lực đồng trang lứa: bạn thấy những người khác đang tiến đến thành công còn bạn chỉ mới bắt đầu.
  • Nỗi sợ thất bại của chính bạn: việc bị từ chối kèm với nỗi sợ thất bại khiến khó lòng vượt qua nỗi đau này.

Tìm hiểu thêm những yếu tố cộng hưởng và loại bỏ chúng sẽ giúp bạn gỡ rối các nhìn nhận việc bị từ chối cũng như đối mặt với nó tốt hơn.

4. Tạo kết nối mạnh mẽ với những người xung quanh

Như đã đề cập ở trên, nỗi đau từ chối là tín hiệu cảnh báo mỗi khi chúng ta đang bị tách rời khỏi cộng đồng. Vì thế, sự kết nối này sẽ là liều thuốc giảm đau tốt khi bị từ chối. Nghiên cứu cũng cho thấy chúng ta là những sinh vật xã hội, có nhu cầu hòa hợp và kết nối với những người xung quanh.

Nếu bị crush phũ, hãy tìm đến những người bạn chí cốt của mình, họ sẽ nhắc nhở và cho bạn thấy mình vẫn xứng đáng được yêu thương. Còn khi bị từ chối phỏng vấn xin việc, hãy tiếp tục những hoạt động bạn tham gia (như các dự án, lớp học, câu lạc bộ,...), kết nối với những người hiểu rõ được năng lực của bạn và tiếp tục tìm kiếm cho mình những cơ hội mới.

Nguồn: Vietcetera

0 lượt thích 0 bình luận
Vui lòng để gửi trả lời bài viết này!
Bình luận (0)